Bản hùng ca tuổi trẻ
Cách trung tâm Tp. Việt Trì 60 km, 53 năm trước, xã vùng cao Minh Đài, huyện Tân Sơn đã có bước ngoặt lịch sử khi được chọn làm trung tâm Khu kinh tế Thanh Niên. Ông Nguyễn Tuyên Huấn - nguyên Bí thư Đảng ủy Khu kinh tế Thanh Niên giai đoạn 1978 - 1988, nay là Trưởng ban liên lạc Khu kinh tế Thanh Niên nhớ lại:
Thời điểm năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go ác liệt. Ngày 23/12/1970, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 268/TTg về việc cho phép Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh xây dựng Khu kinh tế Thanh Niên gồm 7 xã: Minh Đài, Tân Phú, Mỹ Thuận, Văn Luông, Long Cốc, Tam Thanh (huyện Tân Sơn), Văn Miếu (Thanh Sơn) để chuẩn bị cho ngày Bắc - Nam sum họp, kiến thiết đất nước. 600 thanh niên được lựa chọn từ các tỉnh: Nam Hà, Hải Hưng (cũ), Thái Bình, mỗi tỉnh 150 người, Vĩnh Phú (cũ) 50 người còn lại 100 người là cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật làm nòng cốt.
Sau hơn 2 năm khảo sát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ngày 23/2/1972, tại xóm Bông Lau, xã Minh Đài, 600 đoàn viên, thanh niên làm lễ ra quân, bắt tay vào khai hoang đồi nương, gieo trồng, chăn nuôi, đắp đập làm thủy lợi… Điều kiện sống, lao động vô cùng khắc nghiệt, song các anh, các chị vẫn thực hiện nghiêm 8 giờ lao động sản xuất, 2 giờ luyện tập quân sự, 2 giờ học văn hóa. Với tinh thần “Ba sẵn sàng” đã hình thành một lực lượng thanh niên xung phong tích cực hăng hái sản xuất, sẵn sàng chiến đấu.
Cuộc sống đang diễn ra thanh bình, yên ả thì trưa 20/9/1972, nhiều tốp máy bay Mỹ đã bất ngờ tấn công vào Trung tâm Khu kinh tế Thanh Niên. Chúng điên cuồng trút 126 quả rốc két xuống khu vực xóm Vinh Quang, Đồng Tù và Bông Lau, hủy diệt toàn bộ Khu trung tâm kinh tế, khiến 45 chiến sĩ thanh niên xung phong hy sinh, 25 người bị thương. Núi rừng Minh Đài bỗng chốc nhuốm màu tang tóc, tang thương.
Biến đau thương thành hành động cách mạng, những người còn sống vừa tiếp tục lao động sản xuất và chiến đấu, với tinh thần “con cháu Bác Hồ làm việc bằng hai để trả thù cho đồng chí đồng đội”. Trong thời gian ngắn, 500 ha đồi nương đã được khai phá, hệ thống giao thông hồ chứa nước và mương máng thủy lợi được xây dựng; 20.000 m2 nhà làm việc, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, bệnh xá… được xây mới; 27 ha ao hồ được đào mới để chăn nuôi, thả cá; trồng 240 ha chuối trên đồi; xây dựng hệ thống tưới tiêu với khối lượng đào đắp 52.000 m3 đất, chứa 800.000 m3 nước, làm 4 km đường trục chính; 20 km đường tạm cùng với mạng lưới điện thắp sáng, đài truyền thanh, gây được một số giống phục vụ sản xuất nông nghiệp như giống chuối tiêu đồi, dứa không gai, ngô lai, cây phân xanh, đàn lợn Móng Cái…
Năm 1976, Khu kinh tế Thanh Niên hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, diện tích trồng chè mới tăng 10%, diện tích trồng dứa mới tăng 50%, sản lượng dứa tăng 3 lần, sản lượng thịt lợn tăng 5 lần, nhà cửa bán kiên cố tăng 50% so với năm 1975…
Theo thời gian, khi cây chuối không còn phù hợp, đồng chí Nguyễn Công Tạn, Giám đốc Khu kinh tế Thanh Niên (giai đoạn 1973 - 1977) nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thử nghiệm đưa cây chè trồng trên đất đồi. 3 ha chè được nhân giống bằng phương pháp giâm cành lấy từ trại ươm Phú Hộ đã được trồng thí điểm trên đất đồi Minh Đài. Sau 2 năm, cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, chứng tỏ khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Không chỉ mở rộng diện tích cây chè trong Khu kinh tế, các kỹ sư còn vận động Nhân dân các xã lân cận phát triển cây chè, giúp lập quy hoạch đất đai, hỗ trợ về giống và kỹ thuật. Tinh thần thanh niên, tác phong làm việc kỷ luật nghiêm túc đã biến các xã miền núi khó khăn trở thành vùng chè trù phú, xanh tươi.
Khởi sắc vùng kinh tế mới
Từ Khu kinh tế Thanh Niên, cây chè được nhân rộng ra 7 xã, bắt đầu từ Minh Đài, lên Tân Phú, xuống Văn Luông… với hàng trăm ha chè làm vùng nguyên liệu cung ứng cho Xí nghiệp Chè Thanh Niên, Tân Phú, Tân Long sản xuất chè đen xuất khẩu sang Trung Quốc và Liên Xô (cũ). Đến nay, huyện Tân Sơn đã có trên 3.800 ha chè, trong đó trên 3.700 ha đang cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 11,8 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 43.000 tấn/năm. Trên địa bàn hiện có hơn 160 cơ sở sơ chế, chế biến chè, trong đó có 7 cơ sở chế biến chè đen, công suất từ năm tấn chè búp tươi/ngày trở lên, 158 cơ sở chế biến chè xanh với quy mô đa dạng. Giá trị mang lại từ cây chè đạt trên 100 tỷ đồng mỗi năm. Cây chè đang là cây giảm nghèo của địa phương, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa giải quyết việc làm cho bà con nông dân.
Đất rừng ngày càng khởi sắc. Minh Đài xã đầu tiên của huyện Tân Sơn đạt chuẩn nông thôn mới. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Từ huyện 30a đặc biệt khó khăn của cả nước, nay Tân Sơn đã và đang vươn mình mạnh mẽ với các mô hình kinh tế hiệu quả dựa trên tiềm năng, thế mạnh đồi rừng, trong đó, chè vẫn được xác định là cây trồng chủ lực.
Đồng chí Vũ Tiến Bắc - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Sơn khẳng định: “Giai đoạn 2021 - 2025, huyện đặt mục tiêu xây dựng 5 chuỗi chế biến chè xanh tại các xã Long Cốc, Văn Luông, Minh Đài, Mỹ Thuận, Thu Cúc, hình thành vùng chè nguyên liệu; xây dựng các mô hình liên kết giữa cơ sở chế biến và hộ trồng chè. Với 2 làng nghề chè và 7 HTX chuyên sản xuất chè xanh, huyện khuyến khích sản xuất, chế biến theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu để từng bước mở rộng quy mô sản xuất, từ đó cùng với tỉnh xây dựng và nâng cao thương hiệu Chè Phú Thọ”.
Và như thế, tâm huyết, công lao của những người khai sơn phá thạch, xây dựng khu kinh tế Thanh Niên hơn nửa thế kỷ trước vẫn trường tồn, lan toả mạnh mẽ nơi núi rừng Tân Sơn.