Triển lãm đã thu hút gần 50 đơn vị và cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia. Trong đó, Hội Sinh vật cảnh Tp. Hồ Chí Minh - nơi có phong trào sinh vật cảnh mạnh nhất cả nước đã mang gần 5.000 tác phẩm độc đáo, hấp dẫn, phong phú, đầy đủ các loại hình như Bonsai, đá, gỗ lũa, gỗ mỹ nghệ... Ngoài tác phẩm triển lãm, còn có 180 tác phẩm của 250 nghệ nhân dự thi sinh vật cảnh của Tp. Buôn Ma Thuột.
Trong khuôn khổ triển lãm, trưng bày và thi sinh vật cảnh lần này, Hội Sinh vật cảnh Tp. Buôn Ma Thuột tổ chức đấu giá 10 tác phẩm sinh vật cảnh do các nghệ nhân, nhà vườn trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk gửi tặng, ủng hộ. Số tiền đấu giá sẽ dùng vào việc hỗ trợ cho các hoạt động của Hội Sinh vật cảnh như vận chuyển, trang trí các tác phẩm...
Trong số hàng nghìn tác phẩm triển lãm sinh vật cảnh, có nhiều cây xanh vô cùng độc đáo của các nghệ nhân và nhà vườn. Điển hình như tác phẩm “Cây xanh quần long phượng vũ” của ông Phạm Đình Giỏi (SN 1976), trú thôn 7, xã Hòa Khánh, Tp. Buôn Ma Thuột. Đây là 1 trong 12 tác phẩm mà ông Giỏi đến trưng bày, triển lãm.
Ông Giỏi chia sẻ: 22 năm trước, tôi mua xây xanh này của một ông cụ quê Nam Định. Vì mê cây xanh này, tôi quyết định bán tài sản duy nhất là chiếc xe máy để mua cây với số tiền 8 triệu đồng. Do cây quá lớn nên tôi buộc phải cắt thành nhiều khúc dễ vận chuyển. Từ khúc cây đã được cắt ra, tôi mang về chăm sóc và dùng trí tưởng tượng của mình cùng với kinh nghiệm học hỏi được để tạo dáng và đặt tên “Cây xanh quần long phượng vũ”. Quần long phượng vũ có nghĩa là tập thể một bầy rồng múa với 1 con phượng đang khoe dáng.
Tác phẩm “Cây sanh quần long phượng vũ” đã được nhiều người định giá tiền tỷ, nhưng ông Giỏi không có ý định bán, mà giữ lại làm kỷ niệm và làm đẹp cho quê hương Đắk Lắk.
Hay như cây cảnh có tên “Trực dáng làng” khoảng 80 năm tuổi ông Đặng Văn Tuấn (SN 1982), trú phường Tân Lợi, Tp. Buôn Ma Thuột đã có rất nhiều người đến hỏi mua cây cảnh này với giá hàng tỷ đồng nhưng ông không muốn bán.
Bên cạnh các loài cây sanh, còn nhiều tác phẩm sinh vật cảnh khác như tác phẩm "Lan Hoàng nhạn tháng Tư" của anh Nguyễn Văn Long, phường Khánh Xuân, Tp. Buôn Ma Thuột.
Anh Long cho biết: Gọi là Hoàng nhạn tháng Tư vì loại hoa này chỉ nở vào tháng 4. Đây là loại duy nhất chỉ có ở Vườn quốc gia Yok Đôn. Tôi sưu tầm được loài lan này cách đây 5 năm, trong một chuyến dạo chơi Vườn quốc gia Yok Đôn. Tôi nhìn thấy loài lan này ở khu rừng khộp và mang về ghép vào cành cây để chăm sóc.
Theo Phó Chủ tịch UBND Tp. Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng, sinh vật cảnh không chỉ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, mà còn góp phần giáo dục tình yêu thiên nhiên, nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sống trong lành cho hội viên và người dân.
Trong nhiều năm qua, phong trào sinh vật cảnh của Tp. Buôn Ma Thuột phát triển đa dạng gồm nhiều loại hình như hoa Lan, cây cảnh, đá quý, chim cảnh và thú cưng... Tuy nhiên, do diễn biến thời tiết phức tạp, giá nông sản, dịch vụ có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh ngành sinh vật cảnh.
Thành phố đưa ra chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch ở các xã, phường có thế mạnh. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành sinh vật cảnh theo hướng dịch vụ, mà vẫn đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống. Cùng với việc phát triển một số cây trồng có giá trị, kinh tế sinh vật cảnh đã mang lại thu nhập cho nhiều nghệ nhân, nhiều nhà vườn sinh thái và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND Tp. Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng bày tỏ mong muốn, các nhà khoa học, các nghệ nhân và nhà vườn có niềm đam mê sinh vật cảnh của tỉnh Đắk Lắk nói chung và Tp. Buôn Ma Thuột nói riêng tiếp tục quan tâm ủng hộ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để phong trào sinh vật cảnh trên địa bàn thành phố vừa là sân chơi văn hóa, vừa góp phần phát triển kinh tế có hiệu quả cao cho các hộ gia đình và phong trào sinh vật cảnh.