Những cú lừa tiền tỷ
Nhiều người ôm mộng làm giàu cứ nghĩ mua cây hoa lan về nhân giống, bán ra rồi có thể thu lời "khủng", mà đâu hiểu những rủi ro đang tiềm ẩn phía sau.
Anh Nguyễn Văn S. ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Cuối năm 2020, anh mua lan đột biến của các nhà vườn tại các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức (Hà Nội) và nhà vườn tại huyện Yên Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Tuy nhiên, trước hàng loạt các thương vụ mua bán lan đột biến, với tổng giá trị lên tới cả trăm tỷ đồng và nhiều người mua lan bị lừa do nhà vườn thổi giá, anh S. "giật mình" kiểm tra lại số lan vừa mua và phát hiện nhiều gốc lan sai nguồn gốc. Anh S. liên hệ lại với các nhà vườn để kiểm tra thông tin, nhưng không thể liên lạc được.
"Tôi mua hàng chục gốc lan đột biến từ các nhà vườn này, gốc rẻ cũng từ 70 triệu - 200 triệu đồng, gốc đẹp có giá từ 500 triệu đến cả tỷ đồng. Hiện tại, tôi bị lừa gần 10 tỷ đồng tiền mua lan", anh S. cay đắng nói.
Sở dĩ anh S. phát hiện ra hoa lan sai nguồn gốc, là vì khi nở, hoa màu tím, không phải màu trắng ngọc như lan đột biến, trong khi đó, số tiền anh mua hoa đang vay rất nhiều từ ngân hàng và huy động vốn của người thân.
Ông Nguyễn Ngọc Mẽ, Trưởng Công an huyện Hoài Đức cho biết, Công an huyện đã tiếp nhận đơn trình báo của công dân. Hiện tại, không chỉ có đơn của anh Nguyễn Văn S. mà còn có thêm 7 đơn trình báo của công dân về vụ việc liên quan lan đột biến.
Theo ông Mẽ, hiện tại, giao dịch hoa lan đột biến có dấu hiệu lừa đảo rất nhiều, giao dịch này đánh vào lòng tham của không ít người dân. Đây là những giao dịch dân sự, thuận mua vừa bán nên cơ quan chức năng rất khó phát hiện.
Giao dịch lan đột biến không giống như giao dịch khác, lan không đánh số như giao dịch xe máy có số khung, số máy để kiểm tra. Khi giao dịch xong, nhiều người mang hoa về, thì mới phát hiện ra mình bị lừa.
Mới đây, ngày 13/4, Công an huyện Ứng Hòa (Hà Nội) phối hợp các đơn vị chức năng Công an TP. Hà Nội, xác minh thông tin liên quan đến vụ việc chủ vườn lan trên địa bàn huyện Ứng Hòa “ôm" tiền của khách mua lan rồi bỏ trốn.
Cụ thể, ngày 12/4, Công an huyện Ứng Hòa tiếp nhận đơn trình báo của 3 công dân phản ánh, đã chuyển tiền cho chủ vườn lan Hà Thanh, tại xóm Chợ, thôn Đình Xuyên, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa để mua bán lan đột biến. Tuy nhiên, đến ngày giao cây thì không liên lạc được với chủ vườn lan, khi đến nhà không biết chủ vườn lan đi đâu. Tổng số tiền theo đơn trình báo là khoảng 11 tỷ đồng.
Về vụ việc trên, Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã chỉ đạo, Công an huyện Ứng Hòa phối hợp lực lượng chức năng Công an thành phố khẩn trương xác minh, triệu tập những người có liên quan để điều tra, làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.
Chuyên gia nói gì
Bày tỏ sự quan ngại, lo lắng về cơn sốt lan đột biến trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam, cho rằng: "Chẳng có ai bỏ tiền ra chơi mấy thứ đắt đỏ thế đâu nên không tỉnh táo, lao vào là chết". Theo ông Vạn, những người chơi đến sau vừa thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu hiểu biết mà nghe dụ dỗ, bỏ tiền tỷ vào đầu tư là có thể nhận về "trái đắng".
Có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sinh vật cảnh, ông Vạn nhận định, dù cây lan có quý, có đột biến gen thế nào cũng không thể có giá lên tới vài trăm tỷ đồng.
"Tôi chưa bao giờ gặp một cây lan nào có giá hàng chục tỷ đồng, chứ đừng nói đến hàng trăm tỷ đồng. Bởi con số ấy cực kỳ lớn, không phải ai cũng có. Một chiếc ô tô xịn, đời mới hiện nay cũng chỉ có giá 2 - 3 tỷ đồng, thì lấy đâu ra cây lan giá cao như vậy", ông Vạn nhận định.
Ông Nguyễn Hữu Vạn khuyến cáo tới người dân: Ôm mộng làm giàu từ lan đột biến sẽ xảy ra những rủi ro tiềm ẩn phía sau. Thứ nhất là, trường hợp cây chết là sẽ mất tất cả. Thứ hai là, có nhân được giống đi chăng nữa, thì khi ấy thị trường đã bão hòa, đồng nghĩa với việc giá cả sẽ khác đi. Bởi có người thứ nhất mua cây về trồng, nhân giống thì sẽ có người thứ hai và nhiều người sau đó.
Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam đề xuất, để thị trường lan đột biến trở về với quỹ đạo, giá trị thật thì các cơ quan chức năng phải đồng loạt vào cuộc, thanh kiểm tra. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên có biện pháp truy xuất, xác định nguồn gốc lan. Còn các cơ quan công an cần làm rõ, xác minh các cuộc giao dịch, xem đối tượng mua bán những cây lan trăm tỷ đồng là ai, có yếu tố lừa đảo, rửa tiền trong đó hay không.