Các công nhân trồng hoa cho biết, người nhổ trộm thường chọn những cây có hoa đẹp, màu đỏ tươi hoặc màu cam. Có người đi làm về nhổ cả hai cây hoa giấy treo bên xe, người đi ô tô cũng nhổ bỏ vào cốp xe… Khi chủ đầu tư tiến hành trồng lại các cây đã bị mất thì tình trạng lấy trộm hoa vẫn tiếp diễn.
Thật buồn cho ý thức kém của một bộ phận người dân. Hành vi ấy không chỉ là sự ích kỷ, tham lam nhất thời, mà còn phá hoại tài sản công cộng. Mỗi cây hoa giấy chủ vườn phải giâm cành mất 3 - 4 tháng mới sống khỏe và đủ điều kiện mang đi trồng. Việc thiếu hụt số lượng khá lớn do bị nhổ trộm buộc doanh nghiệp phải gấp rút thu mua từ nhiều nguồn, cả trong và ngoài tỉnh.
Chẳng hiểu họ sẽ thưởng hoa kiểu gì khi trộm cắp từng chậu hoa về làm đẹp nhà mình mà để lại những bồn cây trơ trụi? Sẽ chẳng có cộng đồng nào phát triển văn minh khi cá nhân chỉ chăm chăm đến cuộc sống của chính mình, rồi sẵn sàng phá hoại tài sản công cộng.
Khi những hình thức tuyên truyền, giáo dục còn chưa thực sự hiệu quả, thì cũng là lúc các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm bằng pháp luật. Theo luật sư, với hành vi trộm gần 2.000 cây hoa giấy này, cần xác định giá trị số hoa bị mất, nếu có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên thì đủ căn cứ để cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Từ đó làm cơ sở để tiếp tục điều tra làm rõ các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.