Theo Hạt Kiểm Lâm huyện Sông Hinh, khu vực rừng phòng hộ bị phá nằm giáp ranh giữa hai huyện Sông Hinh và Tây Hòa. Loại cây bị chặt hạ chủ yếu là cây giẻ (gỗ nhóm 3) có đường kính 30 - 40cm; cây trâm, cây da (gỗ nhóm 5) có đường kính 50 - 60cm. Phần lớn gỗ xẻ ván được vận chuyển ra ngoài.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh cho biết: Lực lượng bảo vệ rừng tuần tra đã phát hiện rừng bị lâm tặc đốn hạ cách đây khoảng 1 tháng. Những gốc cây rừng bị đốn chặt mới nhất cách đây hơn 1 tuần. Sau khi bị phát hiện, lâm tặc đã phá bỏ lán trại dựng sát các con suối trước đó, để sinh hoạt trong rừng.
“Địa bàn giáp ranh hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh rất rộng, kiểm tra xong khu vực bên này rồi mới chuyển sang khu vực bên kia, vì vậy không phát hiện kịp thời tình trạng phá rừng”, ông Toàn chia sẻ.
Sau khi phát hiện rừng phòng hộ bị tàn phá, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên đã phối hợp với các địa phương, cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, truy tìm thủ phạm để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, lâm tặc đã sử dụng phương tiện cơ giới và thủ công để san gạt, làm đường mới vào rừng, khai thác gỗ trái phép.
Theo đó, khu vực khoảnh 7 và 10 (Tiểu khu 358, thuộc quản lý của huyện Tây Hòa), lâm tặc san gạt 690m đường, có 32 cây gỗ bị cắt hạ, tại hiện trường còn 10 khúc, khối lượng hơn 2,5m3. Tại khoảnh 2 (Tiểu khu 312, thuộc rừng phòng hộ do huyện Sông Hinh quản lý), 270m đường đã được mở, gỗ bị cắt hạ tại hiện trường còn 44 khúc gỗ tròn với khối lượng hơn 35m3.
Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên cho biết: Đây là con đường trước đây người dân mở vào khu rừng sản xuất, nay lâm tặc lợi dụng dùng cơ giới san gạt, mở thêm một đoạn vào rừng tự nhiên. Hiện, Hạt Kiểm lâm các huyện Sông Hinh và Tây Hòa cùng với Ban Quản lý rừng phòng hộ và chính quyền các địa phương đã phân công lực lượng bảo vệ hiện trường, đưa số gỗ tang vật về nơi tạm giữ. Lực lượng Kiểm lâm cũng đang phối hợp Công an và Viện Kiểm sát điều tra đối tượng vi phạm để xử lý.
Điều đáng nói là, lâm tặc đã đưa máy móc vào mở đường, làm lán trại ăn ở tại chỗ phá rừng giữa ban ngày suốt một thời gian dài, thế nhưng mãi đến nay mới bị phát hiện. Dư luận đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của những đơn vị được giao quản lý bảo vệ rừng để xảy ra sự việc trên. UBND tỉnh Phú Yên cần chỉ đạo các ngành chức năng nhanh chóng điều tra, truy tìm thủ phạm phá rừng và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.