Thích ứng trong mùa dịch
Là một doanh nghiệp theo đuổi về các sản phẩm thủ công của đồng bào DTTS, trước khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, Chie – dù pù dù pà ơi vẫn hoạt động rất hiệu quả trên kênh bán hàng truyền thống của mình, chính là cửa hàng trưng bày sản phẩm toạ lạc tại 66 Hàng Trống, Hà Nội.
Thế nhưng gần hai năm qua, nằm trong xu thế chung chịu tác động của dịch bệnh, lượng khách giảm đáng kể khiến Chie phải hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, do nhu cầu duy trì doanh nghiệp, hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân, đồng thời tạo sự tương tác với những người yêu thổ cẩm, mới đây, thông qua kênh Fanpage trên mạng xã hội Facebook của mình, Chie đã tổ chức một buổi “triển lãm” Online với nội dung: “Thổ cẩm kể - Triển lãm hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số”.
Chị Trương Thu Thuỷ, chủ doanh nghiệp chia sẻ: “Vì tình hình dịch bệnh, chúng ta chỉ có thể cảm nhận được vẻ đẹp của các loại hoa văn thông qua những con chữ và những tấm hình. Mọi giác quan đều bị giới hạn, khi chúng ta không thể đến trực tiếp Chie để sờ tận tay tấm thổ cẩm, nghe tận tai những sự tích. Nhưng đội ngũ Chie mong rằng, buổi triển lãm này phần nào thoả mãn được sự quan tâm của các bạn yêu thổ cẩm dân tộc”.
Triển lãm của Chie thực chất là các hình ảnh, các đoạn video Clip lồng ghép với những chú thích, những lời diễn giải về ý nghĩa của các hoạ tiết thổ cẩm của một số DTTS ở Việt Nam, mà đội ngũ những người làm nội dung thực hiện. Như với hoạ tiết hoa văn mặt trời của người Mông, Chie chia sẻ: “Hoa văn mặt trời thường được thêu hoặc vẽ bằng sáp ong trên tấm địu hoặc mũ cho trẻ em người dân tộc. Mặt trời đối với thế gian này chính là tượng trưng cho sự sống, cho ánh sáng của nhân loại. Bà con người Mông quan niệm rằng, mặt trời mang lại ánh sáng cho nhân gian, là nguồn sức mạnh lớn lao có thể xua đuổi tà ma, đem lại cuộc sống yên bình cho bà con dân tộc…”
Ngoài ra, Chie còn giới thiệu tới người xem rất nhiều hoạ tiết độc đáo có thể kể đến như: Hoa văn rồng cổ đỏ, hoa văn người cưỡi hổ của người Lào; Hoa văn hình xoắn ốc của người Mông; Hoa văn con khỉ, hoa văn con chim, hoa văn cây phay (cây boọc bên) của người Thái…
Sau khi đăng tải nội dung, có rất nhiều bạn đã bình luận chia sẻ cảm xúc của mình về buổi triển lãm Online này: “Hay quá Chie ơi, mong các bạn tiếp tục phát triển tiếp những nội dung có giá trị như này nhé!”- bạn Bùi Thu Hà, sinh viên Học viện Ngoại giao bình luận. Còn bạn Trần Vinh, sinh viên Mỹ thuật lại chia sẻ: “Thật tiếc vì ko thể làm Offline, được xem trực tiếp sẽ tuyệt hơn nhiều. Dù sao cũng cảm ơn Chie nhiều. Gần đây có nhiều chương trình hay ghê”…
Nắm bắt xu thế
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các nền tảng xã hội lớn, các sự kiện trực tuyến ngày càng phổ biến như một kênh tương tác giữa các tổ chức, doanh nghiệp với khách hàng.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đơn vị tổ chức, nhà sản xuất đã rất linh hoạt, nắm bắt xu thế để truyền tải những nội dung và thông tin cần thiết mà không trực tiếp phải tham dự.
Trên nền tảng mạng xã hội đông người dùng nhất tại Việt Nam – Facebook, không khó để tìm kiếm một sự kiện đã, đang và sắp diễn ra. Facebook đã tối ưu tất cả trong mục sự kiện. Chỉ cần lựa chọn lĩnh vực mình quan tâm và gõ vào ô tìm kiếm, ngay lập tức các kết quả liên quan sẽ hiện ra để lựa chọn.
Bên cạnh Facebook thì nền tảng Google cũng tạo ra một bảo tàng trực truyến lớn mang tên Google Arts & Culture, nơi cộng đồng có thể truy cập và xem những hình ảnh có độ phân giải cao của những tác phẩm nghệ thuật trong các bảo tàng và đối tác.
Dự án được vận hành thông qua Viện Văn hóa Google, hợp tác cùng các bảo tàng quốc tế. Nền tảng giúp cho người xem có được góc nhìn chân thực nhất như đang đi xem trực tiếp tại bảo tàng. Hỗ trợ người xem hình ảnh 360 độ, thu phóng dễ dàng, dưới mỗi bức tranh đều có tên và chú thích hỗ trợ người xem có được những thông tin hữu ích.
Đối với nền tảng Google ở Việt Nam vẫn còn khá sơ khai, hiện tại mới chỉ có Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hoá Thể thao tỉnh Quảng Bình thực hiện triển lãm trên bảo tàng số này. Tuy nhiên trong tương lai, đây được đánh giá là nền tảng tiềm năng để quảng bá không chỉ hình ảnh quốc gia, dân tộc mà còn về sự đa dạng trong văn hoá, nghệ thuật. Minh chứng đó là các bảo tàng lớn trên thế giới như Bảo tàng Hermitage ở St. Peterbourg, Nga; Bảo tàng Tate Gallery ở Luân Đôn, Anh; Bảo tàng Uffizi ở Firenze, Ý…
(Nội dung thông tin, truyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)