Theo báo cáo của UBND xã Lương Phi, đến chiều 30/7, trên địa bàn xã có 7 điểm bị sạt lở đất, đá gồm: Khu vực Ô Thổ Phi 1 điểm, khu vực dưới đồi Cây Xanh 3 điểm, khu vực điện Trời Gầm 2 điểm, phía trên điện Tà Cau 1 điểm. Đối với các khu sạt lở độ dốc cao trên núi Dài, lực lượng chức năng không tiếp cận được, chiều rộng mỗi chỗ khoảng 30 - 50m, dài từ 100 - 300m.
Thường trực Đảng ủy, UBND xã Lương Phi đã chỉ huy lực lượng vận động người dân di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm được 9 hộ, với 26 người; còn 2 hộ, 5 người dân chưa xuống núi do nước lũ chảy xiết không qua được. Lực lượng chức năng đang tìm cách tiếp cận hỗ trợ.
Trao đổi nhanh tại hiện trường, ông Trần Minh Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, xã Lương Phi thuộc huyện miền núi, có đông đồng bào Khmer sinh sống. Chúng tôi đang chỉ đạo UBND xã, Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã tiếp tục khẩn trương tiếp cận và hỗ trợ số người dân còn kẹt lại trên núi một cách an toàn. Đặc biệt là các tuyến đê bao trọng yếu có nguy cơ sạt lở để kịp thời gia cố, đảm bảo an toàn sản xuất cho người dân hạn chế thiệt hại thấp nhất. Do đây là lần đầu bị mưa to tạo thành dòng chảy lớn như lũ quyét, bà con chưa có kinh nghiệm và sự chuẩn bị ứng phó.
Lượng nước lớn đổ mạnh từ trên núi xuống đã cuốn trôi 6 xe máy, một số nông cụ của cư dân sống trên núi. Ngoài ra, cơn mưa kèm theo dông gió đã gây thiệt hại 13 căn nhà của người dân trên địa bàn xã Lương Phi. Trong đó, 9 căn bị tốc mái, 3 căn bị sập hoàn toàn và 1 căn bị lũ núi cuốn. Lũ núi kèm mưa dông còn làm khoảng 246,5 ha lúa, màu của người dân bị ngập nước. Rất may, tính tới thời điểm này có thiệt hại về người.