Với họ, việc bảo tồn được nét văn hóa, nghệ thuật độc đáo của dân tộc chính là giữ được hồn cốt của bản làng.
Trong câu chuyện, nghệ nhân Hồ Pả Vông (60 tuổi) ở bản 6 xã Thanh, huyện Hướng Hóa nói rằng: Đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô giữa đại ngàn Trường Sơn những nhạc cụ truyền thống như khèn bè, cồng chiêng, tù và, trống… được xem như là báu vật. Ông còn nhớ khi lên 15 tuổi đã được người cha truyền dạy cách thổi và chế tác khèn bè. Trong trí nhớ của ông, từng câu chuyện kể, từng động tác của cha gắn với chiếc khèn bè vẫn in sâu và niềm đam mê thì chưa bao giờ vơi cạn.
Đặc biệt, những làn điệu oát, xà-nớt, a dên, cha chấp, dân ca, dân vũ cổ… như đã thấm vào từng giọt máu trong người của ông. Hồ Pả Vông cũng cho biết, ông rất lo lắng khi hiện nay thế hệ trẻ đang lãng quên nét văn hóa của đồng bào mình. “Người trẻ ở nhiều bản làng giờ chỉ thích hát những bài nhạc mới, chơi những nhạc cụ hiện đại... mà bỏ quên mất những nét văn hóa của dân tộc mình”, ông Vông trăn trở.
Để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nghệ nhân Hồ Pả Vông đã nỗ lực tìm tòi, sưu tầm và học hỏi, ghi nhớ lại nhiều làn điệu khèn bè của đồng bào Vân Kiều. Nhờ đó, sau thời gian nghiên cứu, tìm tòi, sưu tầm…; với kiến thức về văn hóa và các làn điệu dân ca, nhạc cụ có được ông đã chủ động đề xuất với chính quyền tổ chức các câu lạc bộ cồng chiêng, khèn bè, với các làn điệu dân ca, dân vũ để truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Với sự nhiệt tình và ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống của mình, ông đã truyền cảm hứng, niềm tự hào cho thế hệ trẻ người Vân Kiều nơi mảnh đất này. Ông Vông giãi bày: “Tiếng khèn bè chính là tiếng lòng của cha ông, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Vân Kiều, Pa Kô nên ông luôn muốn truyền đạt hết cho các thế hệ con cháu. Ông cũng mong rằng, tương lai ngày càng có nhiều người biết đến sự tồn tại của tiếng khèn bè, hiểu và phát triển tiếng khèn bè trở thành một loại hình âm nhạc phổ biến hơn. Những vốn văn hóa này không thể bị thất truyền được”.
Là một trong những hạt nhân trẻ trong đội văn nghệ xã Thanh, anh Hồ Văn Hùng đã “thấm” những lời ca tiếng hát, những giai điệu thấm đẫm nét văn hóa của dân tộc mình. Anh Hùng bộc bạch: “Trước đây, khi mình chưa biết thổi khèn bè thì chỉ thích nghe nhạc trẻ thôi. Nhưng khi được Pả Vông truyền dạy, mình thấy tiếng khèn bè rất hay và đam mê lúc nào không biết. Ngoài ra, mình cũng đang tiếp tục học cách chế tác khèn bè sao cho hay, cho đẹp nữa. Mình quyết tâm sẽ lĩnh hội, giữ gìn và trao truyền cho các bạn trẻ kế cận những vốn quý âm nhạc dân tộc mình”.
Ở Hướng Hóa còn có già làng Hồ Thanh Bình, ở Thị trấn Lao Bảo cũng hết lòng tâm huyết với vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Vân Kiều. Sợ văn hóa của dân tộc mình bị lãng quên già làng Bảo đã miệt mài vận động mọi người ủng hộ, thành lập câu lạc bộ cồng chiêng ở bản Ka Tăng. Lúc đầu chỉ ít thành viên nhưng đến nay, câu lạc bộ đã qui tụ được 23 thành viên. Theo già làng Bình, câu lạc bộ cứ mỗi tháng sinh hoạt một lần, ông cùng với 23 thành viên trong câu lạc bộ tập trung đông đủ tại nhà sinh hoạt cộng đồng và chuẩn bị những đạo cụ quan trọng như cồng, chiêng, tù và, khèn bè, trống... để tập luyện.
Điều đáng ghi nhận là thông qua các buổi sinh hoạt văn hóa của các câu lạc bộ này nhiều thế hệ trẻ đã nhận thấy được nét đẹp văn hóa của dân tộc mình từ đó họ chủ động tìm đến để học hỏi và sinh hoạt.
Em Hồ Thị Hằng học sinh lớp 9 chia sẻ: Gia đình em là người Vân Kiều thế nhưng từ bé đến giờ em chưa được hiểu sâu về văn hóa của đồng bào mình. Thấy các cụ cao niên sinh hoạt thường niên ở nhà văn hóa, lúc đầu tò mò xem sao nhưng sau này qua tìm hiểu, em dần cảm nhận được những giá trị tốt đẹp của văn hóa của đồng bào mình. Em sẽ xin vào câu lạc bộ để sinh hoạt để góp phần giữ gìn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Từ những người nặng lòng với âm nhạc dân tộc như ông Hồ Pả Vông, già làng Hồ Thanh Bình và thế hệ trẻ như anh Hùng, em Hằng… mà giờ đây tại các bản làng ở huyện Hướng Hóa, âm nhạc truyền thống, các điệu múa cổ đã dần hồi sinh.
Người trẻ ở nhiều bản làng giờ chỉ thích hát những bài nhạc mới, chơi những nhạc cụ hiện đại... mà bỏ quên mất những nét văn hóa của dân tộc mình”. Ông Hồ Pả Vông
MINH THỨ - HIẾU GIANG