Đầu tháng 4, người dân xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, vui mừng được nhận 15 con bò từ dự án hỗ trợ giảm nghèo. Thế nhưng niềm vui ấy chẳng tầy gang, khi người dân phát hiện 7 con bò bị nhiễm bệnh lở mồm long móng và lan sang một số bò địa phương. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng này. Trước đó, Báo Dân tộc và Phát triển cũng đăng tải nhiều trường hợp tương tự như, năm 2017, người dân xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) phải nhận một số con bò gầy yếu từ Chương trình 135. Năm 2015, hàng trăm con bò trong chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” trao ở Lạng Sơn cũng trong tình trạng này.
Đối với đồng bào DTTS vốn có điều kiện kinh tế khó khăn, thiếu vốn, thiếu đất sản xuất, thiếu hiểu biết khoa học kỹ thuật, thì việc trao những con bò kém chất lượng khác nào “đánh đố” người dân. Dẫu biết rằng, các dự án hỗ trợ là đáng quý mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, cho bao nhiêu không quan trọng bằng cách cho. Vì khi trao những con bò này, người trao còn trao cho người dân “cơ hội” thoát nghèo, niềm tin vào cuộc sống. Đối với người dân họ nhận bò bằng cả tấm lòng, gửi gắm hy vọng vào ngày mai tươi sáng cùng lòng cảm kích tới các đối tượng trao bò.
Vì vậy, thời gian tới, khi trao bò nói riêng và trao cây con giống hỗ trợ đồng bào DTTS nói chung, cần lựa chọn những loại giống tốt. Cần có sự kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng, cây trồng, vật nuôi để làm sao sự hỗ trợ này đến với người dân một cách trọn vẹn nhất. Chỉ khi nào những mầm giống bám trụ được trên những vùng đất khô cằn sinh sôi nảy nở, mới giúp người dân có cơ hội thoát nghèo. Và sự hỗ trợ ấy mới thực sự đạt được ý nghĩa vốn có của nó.
KẺ SĨ