Vận chuyển nguyên vật liệu lên phà phục vụ thi công dự án mở đường vào các xã lòng hồ bản Vẽ là Hữu Khuông, Nhôn MaiBất lực vì thời tiết
Chúng tôi đã từng có mặt trên đại công trình thi công cầu Suối Hộc. Khó khăn đầu tiên hiện hữu là việc vận chuyển nguyên vật liệu vô cùng gian nan. Đơn vị thi công đã thuê cẩu xuồng, phà thả xuống lòng hồ bản Vẽ, rồi tập kết cát, đá, sắt, thép ngay bến Thượng lưu xã Yên Na. Khi đủ chuyến mới cho nổ máy, chạy chậm chừng 2 giờ rồi mới đến nơi tập kết tại điểm thi công ở xã Hữu Khuông.
Chưa hết, khu vực thi công dự án mở đường vào các xã vùng lòng hồ bản Vẽ là Hữu Khuông và Nhôn Mai phải đi giữa đồi núi cao, địa hình hiểm trở nên việc vận chuyển máy móc thiết bị, vật tư, vật liệu tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Công tác giải phóng mặt bằng cũng chưa thể theo kịp tiến độ đơn vị thi công do phải dừng lại rất nhiều tháng để làm thủ tục chuyển đổi mục đích đất rừng phòng hộ.
Mặt khác do Luật Đất đai 2024 có thay đổi (trước đây thuộc thẩm quyền của Chính phủ), điều chỉnh thẩm quyền là của HĐND tỉnh (có hiệu lực từ ngày 01/4/2024), đến ngày 18/7/2024 Chính phủ mới ban hành Nghị định hướng dẫn, nên đến ngày 29/8/2024 HĐND tỉnh Nghệ An mới có cơ sở họp, thông qua.
Thi công trụ cầu Suối Hộc trên tuyến dự án mở đường vào các xã lòng hồ bản Vẽ là Hữu Khuông, Nhôn Mai gặp nhiều khó khăn do cốt nước ngập cao hơn thiết kế (Ảnh: Thanh Hải)Trở ngại lớn nhất ở đại dự án này là thời tiết. Hợp phần cầu Suối Hộc là công trình cấp I, nằm trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, mực nước thường xuyên đến đáy hồ là rất lớn (khoảng 50m), do đó chỉ có thể thi công phần hạ bộ trong khoảng bốn tháng mùa cạn (từ tháng 4 đến tháng 7); không thể huy động các thiết bị lớn như xà lan, máy khoan cọc khoan nhồi vào lòng hồ để đẩy nhanh tiến độ thi công.
Trong khi đó mực nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ năm 2024 luôn duy trì ở mực nước cao (cao nhất từ khi đưa thủy điện Bản Vẽ vào vận hành, khai thác), nước xuống chậm và lên nhanh nên việc thi công cầu Suối Hộc gặp rất nhiều khó khăn.
Đại diện Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Nghệ An cho biết: Năm nay, mực nước lòng hồ có xuống, nhưng chỉ được thời gian ngắn lại lên ngay do mưa lớn nên nước từ nguồn về nhiều. Chúng tôi cũng thấy rất bất lực vì thời tiết.
Tranh thủ nước sông rút, các đơn vị tiếp tục thi công mố cầu cứng Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu (Ảnh: Thanh Hải)Những bất lợi kể trên khiến đơn vị thi công đại dự án mở đường xuyên lòng hồ bản Vẽ vào các xã Hữu Khuông, Nhôn Mai như ngồi trên lửa khi phải “ăn không nằm rồi” giữa rừng hàng tháng trời. Theo đại diện Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Nghệ An thì, hết năm 2025 sẽ cố gắng thông tuyến, trừ cầu Suối Hộc.
“Bắt buộc phải điều chỉnh gia hạn thời gian”
Trong suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm Nguyễn Văn Long (ông Long hiện còn kiêm nhiệm chức danh Giám đốc các dự án đầu tư xây dựng huyện Kỳ Sơn cũ) đã nói rằng: Các dự án thi công cầu cứng ở Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu và Xốp Mạt, xã Hữu Kiệm khó khăn chồng chất.
Chuyến thực tế sáng 16/7, chúng tôi cũng đã nhận thấy mực nước dòng sông Nậm Mộ mà hai cây cầu vắt qua, đang lên rất cao. Dòng nước đục ngàu, cuộn chảy, dâng cao bất thường là do những ngày vừa qua ở khu vực giáp biên này mưa lớn dẫn đến nước từ thượng nguồn đổ về nhiều. Vì thế, công trình đành phải dừng lại chờ nước rút.
Việc thuê nhân công và chi phí nhân công cũng là vấn đề đáng nói. Bởi, công nhân thuê từ dưới xuôi lên, làm một hai bữa lại phải nghỉ vì mưa. Thế là họ phải về để tìm việc khác. Đến khi nắng thì lại không có công nhân để thi công tiếp.
Sắt thép tập kết dưới chân cầu cứng Xiêng Thù, xã Chiêu Lưu “lấm lem” bùn đất (Ảnh: Thanh Hải)Về nguyên tắc, những dự án từ nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 như: Dự án xây dựng cầu cứng ở Xiêng Thù (xã Chiêu Lưu) cầu Xốp Mạt (xã Hữu Kiệm); dự án mở đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi các bản Búng và Cò Phạt của người Đan Lai; dự án mở đường vào các xã vùng lòng hồ bản Vẽ là Nhôn Mai và Hữu Khuông thì hết năm 2025 bắt buộc phải xong. Tuy nhiên, thời tiết mưa lũ bất thường những tháng vừa qua, cùng với những khó khăn đặc thù của từng dự án nên không thể theo kịp tiến độ đã phê duyệt.
Nói về giải pháp trước thực tế hiện nay, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm Nguyễn Văn Long bộc bạch rằng: Giải pháp là nhìn trời chứ không có cách nào khác. Chỉ cần không mưa, nước sông không dâng cao thì sẽ thi công ngay, bất kể thời gian. Thực tế hiện nay, các dự án của Chương trình MTQG 1719 cũng phải xin gia hạn, kéo dài. Lí do là bất khả kháng, là khách quan, chứ không phải chủ quan.
Gian nan đường từ trung tâm xã Môn Sơn vào các bản Búng và Cò Phạt (Ảnh: Thanh Hải)Dự án nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi bản Khe Búng và Cò Phạt cũng trầy trật vì thời tiết bất lợi. Hơn nữa, do thi công trên con đường độc đạo, dẫn việc vừa thi công, vừa vận chuyển nguyên vật liệu rất khó khăn. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, gói thầu hơn 6km đi từ bản Búng qua Cò Phạt đã cơ bản xong. Chỉ còn gói thầu hơn 12km ở đoạn ngoài thì lại đang trong tình trạng “đắp chiếu”.
Ông Phan Hữu Thưởng, cán bộ kỹ thuật Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Con Cuông cũ (Ban chưa có phương án sáp nhập, giải thể) thông tin rằng: Hiện tại gói thầu hơn 12km ở đoạn ngoài đang chờ điều chỉnh thiết kế, bởi thực tế thi công theo tính toán sẽ vượt tổng mức đầu tư do phải hạ độ cao một số dốc núi trên tuyến cho phù hợp. Ngoài ra, yếu tố thời tiết mưa thất thường, cùng với việc thi công trên con đường độc đạo dẫn đến khó vận chuyển nguyên vật liệu, trang thiết bị làm ảnh hưởng đến tiến độ khi thi công.
Với chiều dài còn lại hơn 12km của tuyến, nhưng chỉ còn khoảng 5 tháng phải hoàn thành mục tiêu do kết thúc giai đoạn I: 2021-2025 của Chương trình MTQG 1719, chắc chắn sẽ là bài toán quá khó cho một khối lượng công việc khổng lồ còn dang dở ở dự án này và với việc hoàn thành bằng "giải pháp là nhìn trời..."