Trực tiếp tham gia, hướng dẫn cho khách tham quan trải nghiệm nghệ thuật thêu truyền thống của dân tộc mình, nghệ nhân Thào Thị Sung (sinh năm 1982) cho hay, trang phục của người Mông đen ở Sa Pa được làm từ vải lanh tự trồng, tự nhuộm chàm theo lối truyền thống và được mài với sáp ong cho mềm và bóng.
Trang phục của phụ nữ Mông đen không rực rỡ như trang phục của nhiều nhóm Mông khác ở vùng Tây Bắc, tuy nhiên lại không kém phần nổi bật, nhờ điểm nhấn là phần cổ áo được thêu bằng nhiều kỹ thuật kết hợp. Đây được cho là bộ phận rất quan trọng trong trang phục, khi mặc cổ áo được dựng thẳng đứng để khoe phần thêu đáp vải trang trí cầu kỳ ở mặt sau.
Cũng theo nghệ nhân Thào Thị Sung, quy trình thêu một miếng hoa văn làm cổ áo gồm khá nhiều bước. Trước tiên là việc lựa chọn miếng vải lanh đẹp đã nhuộm chàm đủ độ đậm cần thiết, chuẩn bị các miếng vải bông dùng khâu ghép, khâu viền (thường là vải đỏ, trắng, đen), sau đó chọn chỉ tơ tằm các màu (chủ yếu là các tông màu xanh lá cây) và chỉ Cotton màu đen, trắng.
Trên nền vải chàm, người phụ nữ Mông sẽ dùng chỉ tơ tằm màu xanh lá cây hoặc vàng thêu các đường thẳng để chia các ô to, nhỏ trên mặt vải.
Tiếp theo họ sẽ dùng vải bông mỏng khâu ghép vào các ô trống đã được phân chia. Họ có thể ghép 1 đến 2 lớp vải chồng lên nhau, phổ biến nhất là lớp vải màu trắng rồi đến lớp vải đỏ, nhỏ hơn mộtt chút để lé ra cái viền trắng.
Trên nền vải bông đã khâu ghép ở các ô lớn là phần hoa văn chính (thường nằm ở giữa có diện tích to hơn) các đường lõi của hoa văn sẽ được thêu các mũi móc xích bằng chỉ Cotton màu đen cỡ to. Các hoa văn này chủ yếu có dạng xoắn ốc rất đa dạng và được uốn vào các khuôn có dạng góc vuông.
Sau đó, họ dùng chỉ Cotton màu trắng sợi nhỏ thêu các mũi móc xích chạy viền xung quanh đường lõi màu đen đã thêu xong, các mũi chỉ rất đều đặn và phải bảo đảm phủ kín được nền vải ghép bên dưới.
Khi đã hoàn thành phần hoa văn chính, họ sẽ phủ kín nốt các mảnh ghép vải nhỏ ở các đường khung viền, các góc nhỏ bằng nhiều dạng mũi thêu kết hợp. Đồng thời làm thêm lớp lót bằng vải bông nhuộm chàm và may các đường nẹp viền màu trắng, đỏ, đen và một viền lớn màu đỏ trên ba cạnh của cổ áo. Chiếc cổ áo hoàn thiện sẽ được khâu ghép vào chiếc áo dài tay hay áo khoác ngoài.
Cách thêu đặc biệt này của người Mông ở Sa Pa tạo nên một tổng thể rất hài hòa, có nền, có điểm nhấn trong bố cục, có sự đối lập về màu sắc, có sự thay đổi nhịp điệu trên bề mặt tạo sự thú vị khi nhìn vào, cũng như chạm vào. Cách thêu này cũng tạo ra độ bền đáng kể, nên đôi khi dù chiếc áo đã sờn rách mà chiếc cổ áo vẫn rất đẹp và vẫn có thể được tận dụng để ghép vào một chiếc áo mới.
Tham gia sự kiện, khách tham quan không chỉ được nghệ nhân Thào Thị Sung trực tiếp trình diễn, hướng dẫn các công đoạn thêu ghép vải truyền thống, mà còn được lắng nghe những chia sẻ cùng nhiều câu chuyện thú vị ẩn sau những họa tiết hoa văn, hay những bộ trang phục truyền thống của người Mông đen bao đời.