Lãnh đạo Huyện ủy huyện Yên Thành trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho cụ Thức vào dịp sinh nhật Bác Hồ năm 2023Ở cái làng Hồng Lĩnh này, nhắc đến cụ Nguyễn Thị Thức, thì ai nấy đều tỏ tường. Lớp trẻ thì kính nể trước một cụ bà “bách niên” trường thọ. Người có tuổi thì nể trọng một người đã có tới ba lần được gặp Bác Hồ. Còn với hậu bối chúng tôi, được gặp cụ bà đã vượt qua hơn một thế kỷ cuộc đời, cũng là một cơ duyên hiếm có.
Suốt những năm tháng tuổi trẻ, đến khi đã luống tuổi về hưu, rồi đề huề cùng cháu con ở quê nhà, thì những lần vinh dự được gặp Bác Hồ, là những ký ức thiêng liêng như ngọn lửa bền bỉ cháy suốt bao năm tháng, trong tâm khảm của cụ Thức.
Hơn một thế kỷ cuộc đời, cụ Thức dẫu đã yếu hơn, những sinh hoạt cá nhân cơ bản dựa vào con cháu… nhưng cụ mãi mãi là tấm gương sáng, là niềm tự hào, hãnh diện của không chỉ riêng bà con vùng bán sơn địa Hồng Lĩnh, xã Hậu Thành.
Cụ Thức vừa vinh dự nhận Huy hiệu 75 năm tuổi ĐảngHôm gặp mới đây, cụ Thức hãy còn nằm trên giường dưỡng sức. Mấy người con của cụ tiếp chuyện chúng tôi trong niềm tự hào, xúc động lớn lao. Người con rể thứ của cụ, là ông Đường Xuân Long, nay đã ngoài 70 tuổi, đã mở lời với chúng tôi mà như nói với chính mình: Mẹ vợ tôi thường kể về những lần được gặp Bác Hồ, về những lời dạy mà Bác đã từng nói, cho cháu con nghe. Cụ nói, như để thêm một lần nhắc nhở cháu con mình phải luôn sống cố gắng, khắc phục khó khăn, thi đua học tập và lao động sản xuất… như Bác đã từng nói năm nào.
Rồi ông Long nhắc lại lời cụ Thức, đầy chắc nịch: “Tôi luôn nhớ mãi lời Bác dạy”.
Trong miên man xúc cảm về người mẹ đã vượt qua hơn một thế kỷ cuộc đời, ông Long đã kể lại cho chúng tôi những ký ức rực cháy trong trái tim cụ Thức, sau 3 lần vinh dự được gặp Bác Hồ, khi thì ở Phủ Chủ tịch, khi thì ở quê nhà… Và rồi, bức chân dung của cụ Thức, hiện lên trong chúng tôi như một thước phim chiếu chậm.
Cụ Nguyễn Thị Thức, sinh năm 1919, trong một gia đình bần nông yêu nước. Tiếp nối mạch nguồn của thế hệ đi trước, thuở niên thiếu, cụ tích cực tham gia hoạt động phong trào tại địa phương và được đứng vào hàng ngũ của Đảng tháng 3/1950. Trưởng thành từ cơ sở, cụ Thức đảm đương nhiều vị trí khác nhau ở địa phương, từ bí thư Đảng ủy xã Hùng Thắng, Bí thư đảng uỷ xã Lăng Thành, Huyện uỷ viên, hội trưởng phụ nữ, kiêm nông hội đỏ huyện Yên Thành. Sau khi được cử đi học, cụ về làm cửa hàng trưởng “Ba đảm đang” của Hội phụ nữ ở cầu Dinh (huyện Yên Thành) phân phối hàng cho bộ đội và người dân địa phương theo chế độ tem phiếu.
Con cháu cụ Thức vui mừng, hãnh diện vì có một người bà, người mẹ mẫu mực, một lòng đi theo ĐảngHơn 30 năm tham gia cách mạng từ 1945 đến năm 1976 lúc về hưu đối với cụ có nhiều điều để nhớ; có những nỗi nhớ là ký ức chẳng thể phai mờ, như cái vinh dự 3 lần được gặp Bác.
Ông Đường Xuân Long, ngừng kể, lần giở những tấm huân huy chương, bằng khen, giấy tờ cá nhân của cụ Nguyễn Thị Thức, như để cố nhớ kĩ hơn, sâu hơn về một người mẹ vợ đáng kính.
Thật vinh dự khi cụ nhà ta được gặp Bác Hồ những ba lần! Chúng tôi nhấn mạnh, và ông Long thì hồ hởi: “Đúng vậy, quá vinh dự và tự hào”.
Cụ Thức được gặp Bác Hồ lần thứ nhất là vào năm 1956, tại Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc. Lần này cụ được Bác mời trả lời mấy câu hỏi và cũng là dịp cụ được bày tỏ mong muốn Bác về thăm quê hương. Sau khi đứng dậy trả lời 3 câu hỏi của Người, Bác hỏi “Cô quê ở đâu?”, cụ trả lời “Dạ thưa Bác, cháu quê ở huyện Yên Thành, Nghệ An. Cháu còn có điều này nữa ạ! Cháu và bà con trong huyện mong muốn là Bác về thăm quê hương Yên Thành ạ”. Bác trả lời: “Bác hứa”. Cũng tại Đại hội này cụ Thức là một trong số ít người được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người.
Ông Đường Xuân Long, lần giở những tấm huân huy chương, bằng khen, giấy tờ cá nhân của cụ Nguyễn Thị Thức, như để cố nhớ kĩ hơn, sâu hơn về một người mẹ vợ đáng kính.Lần thứ hai, cụ được gặp Bác là vào dịp Người tới thǎm các cháu thiếu nhi miền Nam tập kết ra Bắc. Lúc đó, cụ đang đi học trường học “Ba đảm đang” ở ngoài Hà Nội và được giáo viên dẫn cả lớp tới gặp Người. Vừa kể những lần được gặp Bác, cụ vừa tìm lại những kỉ vật ngày xưa.
Trong dự Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc, cụ được tặng huy hiệu của Bác, nhưng sau do chiến tranh và bom Mỹ dội xuống chưa kịp gói ghém đã bị thất lạc. Lần ấy được tặng huy hiệu của Người, cụ còn nhớ có chị Toàn ở giới tuyến Vĩnh Linh (Quảng Trị), có chị Lan ở Thạch Hà (Hà Tĩnh), chị Thanh ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), anh Bái ở Thanh Hóa, Hoàng Anh người công giáo Nam Đàn (Nghệ An)… có thành tích vì đã làm tốt nhiệm vụ cung cấp thực phẩm cho chiến trường đánh giặc.
Niềm vui nối tiếp niềm vui, vinh dự nối tiếp tự hào. Trong lần Bác Hồ về thăm quê hương xã Vĩnh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An), cụ Thức lần thứ 3 được gặp Bác. Lúc ấy, cụ đã chứng kiến tấm lòng yêu thương dân nghèo vô bờ bến của một vị lãnh tụ. Khi về thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành, Bác đi thăm nhà cửa của bà con Nhân dân trước, đến thăm các gia đình gặp khó khăn, hộ nghèo, hộ đói, hỏi thăm tận từng nhà dân, sau đó Bác dừng chân tại nhà của 2 mẹ con trong xã ở bên đường, Bác lấy gói cơm và mấy quả cà mang theo ra ăn cùng gia đình. Khi về trụ sở xã thì bữa tiệc đã soạn ra để tiếp Bác, nhưng Người từ chối không ăn vì bảo đã ăn rồi.
Ông Long ngừng kể, chúng tôi, ai nấy nín lặng một hồi, như để cảm hết cái vinh dự, tự hào, hãnh diện mà cụ Thức đã trải. Tự thấy lòng mình như được tiếp thêm động lực, thêm tin yêu hơn trong cuộc đời này. Ngoảnh sang bên giường, nơi cụ Thức còn nằm, chúng tôi thấy cụ mấp máy, nhỏ nhẹ: Tôi luôn nhớ mãi lời Bác dạy!