Ngày 25/3, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) công bố kết quả thực hiện Đề án khảo cổ học văn hóa Óc Eo tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa. Đây là Đề án khoa học có quy mô lớn, được Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện từ năm 2017. Tham gia thực hiện Đề án này là 3 đơn vị hàng đầu về khảo cổ học tại Việt Nam là Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.
Trong số các di vật được phát hiện tại di tích Óc Eo- Ba Thê, có 2 hiện vật đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia trong đợt công nhận mới nhất cuối năm 2021. Đó là phiến đá khắc hình tượng Phật ngồi thiền và nhẫn bò Nandin bằng vàng.
Thông qua kết quả công bố, các nhà nghiên cứu đã hé lộ những phát hiện mới, có giá trị về văn hóa Óc Eo tại di tích Óc Eo - Ba Thê (Thoại Sơn, An Giang) và Nền Chùa (Hòn Đất, Kiên Giang). Đây cũng là cơ sở khoa học cho việc xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO công nhận khu di tích Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa là Di sản văn hóa thế giới.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, đoàn khảo cổ đã phát hiện được nhiều loại hình di tích quan trọng như kiến trúc đền tháp, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá cùng nhiều loại hình di tích cư trú, sinh hoạt, sản xuất thủ công.
Đặc biệt, cuộc khai quật này đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh... Nhiều vấn đề khoa học mới, minh chứng rõ ràng và thuyết phục hơn về đặc điểm, tính chất của “đô thị cổ” Óc Eo là nơi tụ cư ven kênh rạch với sinh kế nông nghiệp và thương nghiệp nổi trội, có mối giao lưu văn hóa, thương mại hàng hải rất phát triển, liên kết nhiều khu vực trên thế giới thời bấy giờ.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành cho biết thêm, các hiện vật vàng, trang sức, đá quý được tìm thấy khi khai quật di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa cũng rất dồi dào. "Trong không gian đô thị cổ Óc Eo, chắc chắn đã từng tồn tại những xưởng thủ công lớn, trình độ kỹ thuật cao, vừa đa ngành, vừa chuyên môn hóa, đặc biệt là chế tác kim hoàn, thủy tinh và đá quý... Phát hiện khảo cổ học về những hạt chuỗi thủy tinh hay đá quý của Óc Eo tìm thấy tại những nước tiêu thụ như Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc… cho thấy, sản phẩm thủ công của đô thị Óc Eo từng là mặt hàng được nhiều nước ưa chuộng," GS.TS Bùi Minh Trí khẳng định.
Trên cơ sở kết quả đạt được của Đề án, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Đề án đã quyết định biên soạn xuất bản ấn phẩm “Văn hóa Óc Eo-Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020” nhằm công bố bước đầu về những kết quả thực hiện của Đề án.
Ngoài các bản vẽ, bản ảnh di tích và hiện vật khảo cổ học tại khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa, cuốn sách còn cung cấp rất nhiều bức ảnh vệ tinh và flycam chất lượng cao về các địa điểm khảo cổ học thuộc Đề án Óc Eo, cũng như các mô hình 3D di tích được phục dựng từ kết quả nghiên cứu so sánh. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đã đánh giá đây là cuốn sách được biên soạn rất công phu, trình bày đẹp và rất có giá trị trong nghiên cứu văn hóa Óc Eo.
Đánh giá ấn phẩm này, Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam chia sẻ, ông đặc biệt hứng thú với các bức ảnh giới thiệu các vết tích nhà sàn và việc các nhà nghiên cứu cố gắng tái hiện hình thái kiến trúc nhà sàn của văn hóa Óc Eo, bởi: “Điều đó cho phép hình dung đời sống xưa của cư dân Óc Eo cùng môi trường sống cụ thể của họ. Đây chính là việc minh chứng sinh động cho tiêu chí thứ năm - tiêu chí giá trị nổi bật toàn cầu của khu Di sản nếu như trong thời gian tới Việt Nam xây dựng hồ sơ Di sản thế giới về văn hóa Óc Eo tại di tích Ba Thê - Óc Eo”.