Đến dự có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang, đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và đông đảo các chuyên gia khảo cổ học từ nhiều trường đại học, viện… trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Buổi lễ, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần An Thư nhấn mạnh tầm quan trọng của Di tích tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê cũng như công tác triển khai thực hiện Quy hoạch theo Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 23/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn (An Giang).
Tiếp đó, Giám đốc Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang Nguyễn Khánh Hiệp đã đại diện công bố Quyết định số 115/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê.
Theo đó, Quy hoạch nhằm bảo vệ các điểm di tích, di vật đã được phát lộ của Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê; xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu vực cảnh quan và khu dân cư xung quanh; bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt của nền văn minh Óc Eo. Đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, du lịch của địa phương. Quy hoạch hướng tới kết nối với các điểm đến du lịch quan trọng của tỉnh An Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tổng diện tích quy hoạch 433,2 ha được xác định trong Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt bao gồm: Khu A - “Trung tâm Tôn giáo Óc Eo”, sườn và chân núi Ba Thê (143,9 ha); Khu B - “Trung tâm đô thị cổ Óc Eo”, cánh đồng Óc Eo (289,3 ha). Ngoài ra, còn thực hiện xây dựng các hạng mục công trình như bãi xe, bến thuyền du lịch, quảng trường, nhà lưu niệm, khai thác du lịch sinh thái núi Ba Thê...
Cũng tại buổi Lễ, Ban Tổ chức đã công bố Quyết định 2189/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Bảo vật quốc gia. Trong đó, bao gồm 2 hiện vật được tìm thấy tại Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê là: Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc (niên đại thế kỷ III - IV) và Nhẫn Nandin Giồng Cát (niên đại Thế kỷ V). Hiện nay, cả 2 bảo vật đều được lưu giữ tại Ban Quản lý di tích Văn hóa Óc Eo, tỉnh An Giang.