Tham dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); Viện Khoa học Kỹ thuật Duyên hải Nam Trung bộ; lãnh đạo Sở NN&PTNT các tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố của tỉnh Gia Lai; các doanh nghiệp và hơn 200 đại biểu là cán bộ khuyến nông và nông dân thuộc các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum.
Tại Diễn đàn, Sở NN&PTNN tỉnh Gia Lai cũng đã đánh giá thực trạng và tiềm năng sản xuất rau, hoa, quả của tỉnh Gia Lai. Đại diện các Trung tâm Khuyến nông: Quảng Nam, Kon Tum, Bình Định; Trung tâm Khuyến ngư Nông lâm (TP. Đà Nẵng); Trung tâm Dịch vụ Nông Nghiệp (TX An Khê) cũng đã có tham luận về phân khúc thị trường rau, hoa, quả; thực trạng và giải pháp chuỗi cung cứng rau, củ, quả ; Một số mô hình sản xuất tiên tiến trên cây hoa và rau màu…
Tại Diễn đàn, theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, vài năm gần đây, ngành rau quả Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận ở tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp, chế biến công nghiệp và phân phối sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu với con số vượt ngưỡng 1 tỷ USD vào năm 2014, 2 tỷ USD vào năm 2015 và 2,5 tỷ USD vào năm 2016.
Tuy vậy, sản xuất rau quả của Việt Nam chủ yếu do nông dân tiến hành mang tính cá thể, tự phát nên quy mô nhỏ lẻ, phân tán, giá thành cao, chất lượng thấp, chưa tạo được sản lượng hàng hóa lớn, khó khăn trong chuyển giao khoa học kỹ thuật mới, khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực. Diện tích rau quả được áp dụng quy trình sản xuất an toàn còn thấp, chỉ chiếm khoảng 5% tổng diện tích trồng trọt. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan luôn là nguyên nhân chính dẫn đến không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Một điểm hạn chế lớn xét theo chuỗi cung ứng là sự cộng tác giữa những người trồng rau quả và các doanh nghiệp chế biến, bán buôn và bán lẻ thông qua hợp đồng tiêu thụ còn ít mà chủ yếu do người trồng rau quả tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình.
Theo đó, Diễn đàn xác định thách thức và giải pháp cho ngành rau quả cần vượt qua và phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, toàn diện. Đó là, cần tiếp tục định hình đúng và quản trị chuỗi cung ứng rau quả ở từng khâu trong chuỗi, bảo đảm sự gia tăng giá trị cho từng mắt xích trong chuỗi.
Hiện nay, mô hình quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi cũng đã được xây dựng và triển khai đối với một số nhóm ngành hàng ở một số địa phương và đã có những kết quả thành công bước đầu, đem lại hiệu quả và lợi ích cho người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Đây được coi như là giai đoạn thử nghiệm, ứng dụng về cách tiếp cận quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi vào quá trình sản xuất ở Việt Nam…
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian nghe và trả lời ý kiến của nông dân và đưa ra các giải pháp nâng cao chuỗi giá trị cung ứng rau, hoa, quả tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong thời gian tới.
Trước đó, chiều ngày 3/12, các đại biểu cũng đã đến thăm mô hình trồng rau của HTX An Trường Phát (huyện Đăk Pơ) và mô hình trồng rau thủy canh (TX An Khê).
(Tin thuộc Chuyên đề Khuyến nông cùng đồng bào DTTS)