Trên thân ống Tíc, người Tà Riềng khoét một lỗ hình vuông hoặc hình phi tiêuVới người Tà Riềng (thuộc nhóm Gié Triêng), ngoài cồng chiêng và trống vốn được xem là vật linh thiêng trong các nghi lễ, họ còn sáng tạo nhiều nhạc cụ truyền thống từ cây lồ ô, nứa, cây trúc như: Sáo tuốt lét, sáo đinh chzuôl, sáo đinh moor, đinh tút. Một số loại đơn sơ, một số lại cầu kỳ, tiêu biểu như khèn Kayol chế tác từ sừng sơn dương. Trong kho tàng đó, Tíc vẫn nổi bật bởi âm sắc riêng, hình thức giản dị nhưng giàu ý nghĩa.
Theo ông Zơ Râm Ớm (76 tuổi, thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi), người Tà Riềng từ xưa đã yêu thích ca hát và sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ phục vụ cả nghi lễ lẫn sinh hoạt hằng ngày. Mỗi loại được sử dụng trong hoàn cảnh khác nhau: có loại dành cho lễ hội tín ngưỡng, có loại dùng trên nương rẫy để giải trí hoặc xua đuổi chim thú, có loại thể hiện tình cảm lứa đôi. Trong tiếng Tà Riềng, "Tíc" nghĩa là "ống âm" - loại nhạc cụ phát ra âm thanh từ ống nứa.
Để chế tác Tíc, người Tà Riềng chọn những ống nứa không quá già cũng không quá non, có độ dày mỏng đều và thông suốt cả hai đầu. Sau khi được gọt sạch, ống nứa được phơi trên giàn bếp từ 1 đến 2 tháng cho đến khi thật khô.
Khi đó, người nghệ nhân dùng dao nhỏ sắc để khoét 1 lỗ hình vuông hoặc phi tiêu tại vị trí khoảng 5/6 chiều dài ống - một công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ vì ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng âm thanh.
Ông Zơ Râm Ớm (76 tuổi) thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi, huyện Nam Giang với nhạc cụ Tíc của đồng bào Tà RiềngMột cây Tíc thường dài khoảng 90cm, đường kính 5cm. Để âm thanh chuẩn, người Tà Riềng không đo lường bằng máy móc mà dựa vào kinh nghiệm và đôi tai cảm âm tinh tế.
Tíc là loại nhạc cụ tiết tấu độc lập, thường đi kèm một dùi bằng gỗ cây dổi - được dùng để gõ lên thân ống tạo âm thanh. Tíc được biểu diễn trong các lễ hội mang tính cộng đồng cao như Lễ mừng cơm mới (Cha ba ri rang), Lễ lập làng, Lễ mừng nhà làng mới (Su moong). Mỗi lần lễ hội diễn ra, tiếng Tíc vang vọng xen lẫn tiếng cồng chiêng, điệu múa xoang, tạo nên không gian thiêng liêng mà vẫn rộn ràng niềm vui.
Tại các lễ hội ấy, người Tà Riềng hòa mình vào các điệu múa truyền thống như múa za zá (tỉa hạt giống), kpiêu zực zăil (bắt cá), túk chêm hoong (mừng được mùa). Tiếng Tíc vang lên theo nhịp 1-2-3 đều đặn, hòa quyện trong tiếng chân xoang, ánh lửa bập bùng và men rượu cần nồng nàn, góp phần làm nên không khí tưng bừng, thiêng liêng mà ấm áp của lễ hội.
Theo già Ớm, điều đặc biệt là Tíc không chỉ đơn thuần là nhạc cụ - đó còn là phương tiện biểu đạt cảm xúc, phản ánh đời sống, xã hội, dòng tộc, xóm làng. Qua từng tiết tấu, người đàn ông Tà Riềng có thể gửi gắm mong ước một mùa màng bội thu, cầu sự bình an, bày tỏ lòng biết ơn thần linh, tổ tiên. Vì lý do đó, Tíc thường chỉ dành cho các bậc trung niên - những người đã trải qua nhiều thăng trầm, có đủ sự từng trải và nhạy cảm để lắng nghe và truyền tải "tiếng nói" của Tíc đến cộng đồng.
Tíc tham gia hòa âm trong những lễ hội truyền thống mang tính cộng đồng của người Tà RiềngTừng nhịp gõ vang lên là một câu chuyện được kể lại bằng âm thanh. Một tay giữ Tíc thẳng đứng, tay còn lại cầm dùi gõ lên ống nứa, người nghệ nhân tạo ra sự cộng hưởng vang vọng giữa rừng núi. Những tiếng "tích tích" khi trầm, khi bổng như mang linh khí trời đất, trở thành thông điệp báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, tổ tiên hài lòng.
Đối với người Tà Riềng huyện Nam Giang, âm nhạc truyền thống là một phần hồn cốt. Nhạc cụ Tíc không chỉ hiện diện trong các dịp lễ, mà còn tồn tại trong đời sống thường ngày như một biểu tượng của niềm tự hào văn hóa. Dù xã hội có đổi thay, người Tà Riềng vẫn gìn giữ nguyên bản Tíc, truyền dạy cho con cháu. Lớp trẻ hôm nay, bên cạnh tiếp thu tri thức hiện đại, vẫn học đánh Tíc, vẫn biết đến điệu xoang, vẫn say mê nghe âm thanh vang lên từ ống nứa khô từng gắn bó với bao thế hệ.
Tíc - với âm hưởng của núi rừng, với nhịp điệu của văn hóa sống động - vẫn tiếp tục vang vọng nơi biên giới Nam Giang, như một minh chứng sống động của bản sắc văn hóa Tà Riềng giữa đại ngàn Trường Sơn.