Ông Sinh đầu tư nuôi hươu ở huyện miền núi Bắc Trà My.Người tiên phong
Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tìm ra những mô hình sản xuất hiệu quả, thích nghi với điều kiện thực tế từng vùng. Tại thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My), ông Nguyễn Văn Sinh (sinh năm 1970), tổ dân phố Đàng Bộ, là một trong những người đầu tiên mạnh dạn đưa hươu sao về nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Với số vốn ban đầu hơn 200 triệu đồng, ông Sinh đầu tư mua 4 cặp hươu giống từ Hương Sơn (Hà Tĩnh), nơi nổi tiếng với nghề nuôi hươu lâu đời. Đồng thời, ông xây dựng chuồng trại kiên cố với diện tích gần 100m², đảm bảo môi trường sống phù hợp cho đàn hươu phát triển.
Trước khi đến với nghề nuôi hươu, gia đình ông Sinh từng trải qua không ít thất bại khi khởi nghiệp với nhiều vật nuôi khác nhau. Từng nuôi heo với quy mô lớn, nhưng gặp dịch tai xanh, sau đó chuyển sang nuôi dúi rồi gà nhưng đầu ra bấp bênh khiến ông phải không ngừng xoay chuyển hướng đi. Chỉ đến khi nuôi hươu sao lấy nhung, kinh tế gia đình ông mới dần ổn định.
Hươu là loài vật dễ chăm sóc, đem lại hiệu quả kinh tế cao.Hiện nay, đàn hươu nhà ông đã tăng lên 11 con, trong đó có cả hươu sinh sản và hươu lấy nhung. Từ 2 năm nay, ông bắt đầu khai thác nhung và bán qua mạng xã hội. Riêng năm ngoái, gia đình thu được 3 cặp nhung, với giá bán từ 14–15 triệu đồng/kg. Ngoài ra, hươu cái cũng bắt đầu sinh sản ổn định, tạo nguồn giống dồi dào để ông cung cấp cho các hộ dân trong vùng có nhu cầu phát triển mô hình.
Theo ông Sinh, hươu là loài dễ nuôi, ít bệnh, chủ yếu ăn lá cây và cỏ trồng tại chỗ. Việc chăm sóc cũng không quá vất vả. Quan trọng nhất là khâu chọn giống: “Hươu đực hơn một năm tuổi có giá khoảng 20–30 triệu đồng, hươu cái tầm 15–17 triệu đồng. Những con nhỏ nhưng cho nhung chất lượng thì giá cao hơn hẳn,” ông chia sẻ.
Ngoài nuôi hươu, ông Sinh còn nuôi chồn hương với mong muốn sẽ tạo nguồn cung về con giống cho bà con phát triển kinh tế.Không dừng lại ở việc nuôi hươu, ông Sinh và vợ còn đầu tư phát triển mô hình nuôi chồn hương. Với số vốn ban đầu khoảng 50 triệu đồng để mua 4 cặp giống và làm chuồng trại, đến nay trại chồn của ông đã có gần 30 cá thể. Chồn hương cũng là loài dễ chăm, đẻ nhanh – mỗi năm có thể sinh 3 lứa, mỗi lứa 3–5 con. Dù đầu ra hiện chủ yếu là chồn giống, nhưng tiềm năng chồn thịt cũng rất lớn.
Khởi sắc từ nuôi hươu
Không chỉ ở Bắc Trà My, mô hình nuôi hươu sao còn đang mở rộng tại nhiều huyện miền núi của Quảng Nam như Nam Giang, Đông Giang… nhờ các chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các dự án phát triển nông nghiệp bền vững.
Người dân miền núi ở Quảng Nam ngày càng khấm khá nhờ nuôi hươu lấy nhung.Tại huyện Nam Giang, cuối năm 2024, địa phương đã phê duyệt dự án chăn nuôi hươu sao theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm cho người dân các xã Tà Bhing, Tà Pơ và thị trấn Thạnh Mỹ. Đây là một trong những tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Gia đình ông Pơ Loong Bia ở thôn A Liêng, xã Tà Bhing là một trong những hộ dân đầu tiên được hỗ trợ giống hươu từ chương trình. “Chúng tôi được nhận 4 con hươu giống và được hướng dẫn tận tình về cách làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc. Sau hơn 7 tháng thả nuôi, đàn hươu phát triển tốt. Gia đình rất phấn khởi vì thấy đây là cơ hội thực sự để thoát nghèo,” ông Bia chia sẻ.
Ông A Rất Bhen – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Nam Giang – cho biết, hiện tại huyện đang triển khai mô hình thí điểm tại 43 hộ dân và sẽ tiếp tục nhân rộng nếu kết quả tích cực. Chăn nuôi hươu sao cho thu nhập cao hơn hẳn so với các vật nuôi truyền thống như bò, heo hay dê.
Với giá 12 - 14 triệu đồng/kg nhung hươu, nhiều người dân ở các huyện miền núi Quảng Nam đã có thu nhập ổn định.Còn tại Đông Giang, mô hình này cũng được triển khai từ rất sớm thông qua các dự án hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị. Gần 300 con hươu giống đã được phân bổ đến hàng chục hộ dân tại nhiều xã. Ngoài con giống, các hộ dân còn được tham gia tập huấn, nâng cao kiến thức về chăn nuôi, chăm sóc và tiếp cận thị trường đầu ra.
Ông Alăng Nhơi ở thôn Ban Mai, xã Ba là một trong những người sớm tham gia mô hình. Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, ông đầu tư chuồng trại và nhận 5 con hươu giống. Sau hơn 2 năm chăm sóc, đàn hươu của ông đã phát triển tốt, bắt đầu cho nhung và sinh sản. “Giá nhung hiện dao động từ 11–12 triệu đồng/kg. Với mức giá này, chỉ cần vài cặp nhung mỗi năm là đã có thu nhập khá,” ông Nhơi chia sẻ.
Người dân miền núi Đông Giang phát triển nghề nuôi hươu.Ông Đinh Văn Bảo – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho rằng: mô hình nuôi hươu sao đang cho thấy hiệu quả rõ rệt cả về kinh tế và sinh kế lâu dài. Theo ông, trong điều kiện địa hình miền núi và tập quán sản xuất nhỏ lẻ, mô hình này phù hợp với khả năng đầu tư của bà con, ít rủi ro, lại tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có.
“Hy vọng trong thời gian tới, nhiều hộ dân có thể tiếp cận mô hình, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Các cấp chính quyền sẽ tiếp tục có những tham mưu để mở rộng quy mô hỗ trợ, tăng cường tập huấn kỹ thuật và xây dựng đầu ra ổn định cho sản phẩm nhung hươu”, ông Bảo chia sẻ thêm.