Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa
Thường Xuân là huyện có tiềm năng về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng, những năm qua, Thường Xuân đã huy động các nguồn lực để phát triển du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Điển hình như bản Vịn là một trong những bản làng xa nhất của xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân đã được huyện xây dựng là bản du lịch cộng đồng.
Bản Vịn có 180 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Đây là một trong những bản còn gìn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống khá nguyên vẹn trên địa bàn huyện Thường Xuân. Hiện nay, 100% số hộ của bản còn lưu giữ nếp nhà sàn truyền thống.
Bản Vịn nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Nơi đây được ví như rừng Amazon của Việt Nam chứa nhiều cá thể rừng tự nhiên nguyên sinh từ hơn nghìn năm tuổi, và những động vật quý hiếm đang được bảo tồn. Cảnh đẹp nơi đây còn hoang sơ và tự nhiên. Khí hậu ở bản Vịn mát mẻ quanh năm sẽ đưa du khách lạc vào một thế giới tự nhiên đẹp thơ mộng, là địa chỉ hấp dẫn đối với những người ưa thích khám phá, trải nghiệm.
Ngoài ra, điểm đến hấp dẫn của du lịch bản Vịn là thác suối Liềm. Đây là con thác rất phù hợp cho những người thích du lịch khám phá. Thác suối Liềm nằm cách trung tâm xã Bát Mọt khoảng 15km, nằm sâu trong rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Con thác này có phong cảnh còn hoang sơ. Thác nằm cách xa khu vực dân cư và phải mất khoảng 2 tiếng đi bộ, tuy nhiên đổi lại, du khách sẽ được hòa mình vào một không gian thác nước tự nhiên đẹp. Với nhiều tầng và càng lên các tầng trên càng cao, rất phù hợp với những người yêu thử thách.
Du khách đến với bản Vịn sẽ được tận hưởng không khí trong lành, sự yên bình giản dị, hoang sơ của núi rừng, được trải nghiệm trèo đèo lội suối để khám phá rừng nguyên sinh của quần thể pơ mu và sa mu trên 1.500 tuổi.
Từ năm 2021, có 10 hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng. Hiện các hộ dân đã cải tạo nhà ở, cảnh quan môi trường, chuẩn bị các điều kiện cần thiết đã sẵn sàng đón khách du lịch. Trong đó, có 4 hộ đã đủ điều kiện đón khách du lịch.
Ông Lang Văn Hoàn, Chủ Homstay số 40 Lang Hoàn cho biết, gia đình đã đăng ký làm du lịch cộng đồng từ rất sớm, gia đình đã chỉnh trang nhà sàn, trồng hoa, xây dựng công trình phụ sạch sẽ. Ngoài ra, chúng tôi cũng được Nhà nước quan tâm cho đi học tập mô hình cùng với tập đi tập huấn để biết cách về làm du lịch cộng đồng.
Phát triển kinh tế bền vững
Tuy số lượng khách đến tham quan và sử dụng các dịch vụ chưa nhiều, nhưng đồng bào nơi đây rất vui và hy vọng sẽ có nhiều du khách biết đến và tham gia trải nghiệm dịch vụ của bản Vịn. Theo đó, những nét văn hóa đặc sắc, các món ăn truyền thống của đồng bào Thái sẽ được bảo tồn và quảng bá thông qua hoạt động du lịch.
Ông Lang Văn Sơn, Bí thư kiêm Trưởng thôn Vịn cho biết, cái được kể từ khi làm du lịch cộng đồng là ý thức giữ gìn vệ sinh chung của bà con trong bản được nâng cao, không gian nhà ở sạch đẹp, trồng con đường hoa khang trang, văn hóa của đồng bào các dân tộc tại chỗ được nhiều người tìm hiểu. Theo đó, các hộ làm du lịch đều có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.
Hiện tất cả các ngôi nhà tại bản Vịn được gắn số nhà. Việc gắn số nhà giúp cho chính quyền nắm bắt được thông tin, khi có sự việc diễn ra và thuận tiện cho khách du lịch khi tìm chỗ lưu trú. Hiện nay, cùng với 4 hộ đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ homestay, bản Vịn còn có nhiều người tham gia các hoạt động phục vụ khách du lịch như: Tham gia nhóm văn nghệ, nhóm phục vụ ăn uống, hướng dẫn viên, cho thuê phương tiện, bán hàng... tổng số người dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch khoảng 40 người.
Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở bản Vịn, không chỉ giúp các hộ gia đình có nguồn thu nhập cao, mà còn tạo việc làm cho nhiều người trong bản, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/ tháng, góp phần quan trọng trong công cuộc giảm nghèo bền vững của bản Vịn.
Ông Lê Văn Thiện, Chủ tịch xã Bát Mọt cho biết: Cái khó nhất của du lịch cộng đồng hiện nay ở bản Vịn là nguồn vốn để tổ chức các hoạt động du lịch, dịch vụ. Hiện tại đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn; người dân chưa mạnh dạn hợp tác, kết nối kinh doanh và tham gia hoạt động dịch vụ.
"Để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngoài việc nâng cao ý thức cho cộng đồng địa phương, thì cần có các chính sách lồng ghép hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng một cách bền vững, gắn với bảo tồn phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào ở địa phương", Chủ tịch xã Bát Mọt nhìn nhận.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân Vi Ngọc Tuấn, những năm qua, công tác quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch được huyện quan tâm. Theo đó, đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các điểm du lịch như: Lòng hồ Cửa Đạt, điểm du lịch tâm linh đền thờ Cầm Bá Thước - Bà chúa thượng ngàn; Di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng Hội thề Lũng Nhai; điểm du lịch cộng đồng ở bản Vịn, thác Yên, thác trai gái thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.
Để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch, huyện đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án cũng đã đưa ra định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc một cách có cơ sở khoa học, hệ thống, đảm bảo phát triển lâu dài và bền vững. Chú trọng tới mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học của Khu bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của cộng đồng DTTS ở địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại huyện Thường Xuân.