Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Tống Thanh Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội cho biết: Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”, Ngày hội đã góp phần “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đồng thời, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tôn vinh, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người nói riêng và bản sắc văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam nói chung.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhận định: Các tỉnh tham dự Ngày hội đã thể hiện được nét riêng của các địa phương qua trưng bày, giới thiệu đặc trưng văn hóa cộng đồng thông qua các hiện vật. Liên hoan văn nghệ quần chúng với sự tham gia của 9 đoàn với gần 400 nghệ nhân, diễn viên, có 45 tiết mục văn hóa nghệ thuật khác nhau; tiết mục của các đoàn phần lớn đều do các nghệ nhân, diễn viên quần chúng tham gia biểu diễn, có sự đầu tư công phu, nội dung phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc rất ít người ở các tỉnh, bám sát với chủ đề Ngày hội. Các nghệ nhân, diễn viên không chuyên của các dân tộc thực sự đã chinh phục người xem bởi những vũ điệu, lời ca giàu cảm xúc, tự hào về văn hoá của mình.
Chương trình Trình diễn trang phục truyền thống đã mang lại cho Ngày hội một sắc màu không phải ở Ngày hội nào cũng có được về loại hình, màu sắc, hoa văn với tư duy kỹ thuật và mỹ thuật phản ánh lịch sử, văn hoá, bản sắc riêng có của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. 8 tỉnh tham dự Ngày hội đã lựa chọn và dàn dựng trích đoạn lễ hội thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người ở địa phương mình.
Có nhiều nghi lễ, lễ hội của nhiều vùng tạo sắc thái phong phú, đa dạng. Qua trích đoạn lễ hội đặc sắc của các đoàn đã cho thấy các địa phương rất coi trọng công tác bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Các trích đoạn lễ hội được chuẩn bị nghiêm túc, có sự đầu tư về nghiên cứu khoa học gắn với khảo sát thực tiễn, tuy được trình diễn một cách mộc mạc giản dị nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ các nghi thức dân gian với sự tham gia của thầy cúng, nghệ nhân, lễ vật, âm nhạc, múa tâm linh, tái hiện không gian thể hiện gần nhất trong thực tế đời sống.
Nội dung trình diễn nghề thủ công truyền thống đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với du khách thập phương qua phần thể hiện của các nghệ nhân trong quy trình tạo ra các sản phẩm của nghề thêu dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống...
Qua các nội dung tham gia Ngày hội lần này, Ban Tổ chức trao thưởng 31 giải A, 36 giải B và 12 giải C cho các tiết mục nội dung của các đoàn tham gia Ngày hội.
Về các hoạt động thể thao, với sự tham gia của 8 tỉnh, gần 200 huấn luyện viên, vận động viên. Sau 3 ngày thi đấu sôi nổi, hấp dẫn, Ban Tổ chức trao 31 bộ huy chương ở 3 môn thi đấu, gồm: Đẩy gậy, Bắn nỏ, Kéo co.
Tại lễ bế mạc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen cho 18 tập thể, 5 cá nhân; Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen cho 29 tập thể, 48 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, tổ chức Ngày hội và Tuần Du lịch - Văn hoá Lai Châu năm 2023.
Nhân dịp này, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu Lương Chiến Công đã trao cờ đăng cai Ngày hội Văn hóa các dân tộc có dân số dưới 10.000 người lần thứ II, năm 2028 cho bà Sùng Hồng Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Lào Cai.