Năm 2018, hộ gia đình bà Phạm Thị Tiềm ở thôn Quang Lập, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết định 2085.
Được tiếp cận nguồn vốn vay, bà Tiềm đã mua bò sinh sản và trồng gần 3 vạn gốc quế. Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay gia đình bà đã có đàn bò với 3 con và một đồi quế được gần 5 năm tuổi, chỉ vài năm nữa sẽ cho thu hàng tỷ đồng. “Mỗi tháng, gia đình tôi chỉ phải trả 280 nghìn tiền lãi vốn vay và khoản vay này, đến năm 2029 mới phải trả gốc nên cũng rất yên tâm sản xuất. Gia đình tôi cảm ơn Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ vay vốn cho các hộ nghèo; nhờ có nguồn vốn này mà năm 2019 gia đình tôi đã thoát nghèo, năm 2020 đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá gần 500 triệu đồng”, bà Tiềm tâm sự.
Gia đình chị Mai Thị Vui ở thôn Tiến Lập, xã Trì Quang cũng được vay 100 triệu đồng theo Quyết định 2085. Hoàn cảnh gia đình chị Vui rất khó khăn. Cách đây vài năm, khi đi làm thuê chồng chị bị điện giật tưởng không qua khỏi, may nhờ thuốc thang anh cũng dần bình phục. Tuy nhiên, việc đi lại với anh rất khó khăn, chuyện cơm áo gạo tiền chủ yếu do chị Vui gánh vác.
“Được vay vốn ưu đãi 100 triệu đồng, gia đình chị đã mạnh dạn mua đất trồng 1 vạn cây quế, đến nay được 2 năm tuổi. Số tiền còn lại cộng với vay mượn thêm anh em họ hàng tôi mở cửa hàng bán vật tư điện nước. Vui nhất là việc mở được cửa hàng, chồng tôi hằng ngày có thể ngồi bán hàng, có việc làm nên cũng bớt khó khăn. Hiện nay, mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi cũng có thu nhập khoảng 100 triệu đồng”.
Gia đình bà Tiềm, chị Vui chỉ là hai trong gần 60 hộ nghèo toàn huyện Bảo Thắng được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo Quyết định 2085. Theo đó, trong giai đoạn 2017 - 2020, có 57 hộ nghèo ở các xã vùng III được thẩm định vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với số tiền gần 3,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết: Thực hiện Quyết định 2085, địa bàn huyện Bảo Thắng đã triển khai cho hộ nghèo vay vốn ở 5 xã. Đây là nguồn vốn vay ưu đãi, với định suất tối đa 100 triệu đồng/hộ, thời gian vay dài (trên dưới 10 năm), lãi suất thấp hơn nhiều so với các chương trình vay vốn khác. Qua đánh giá, giám sát hằng năm thì các hộ được vay vốn đã phát huy hiệu quả rất tốt, chủ yếu là chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng. Nhờ đó, các hộ đã từng bước nâng cao thu nhập vươn lên thoát nghèo.
Thống kê của tỉnh Lào Cai cho thấy, qua hơn 4 năm triển khai theo Quyết định 2085, đã có 2.459 hộ nghèo ở các xã vùng III, thôn đặc biệt khó khăn được vay vốn, với tổng số tiền đã giải ngân 93 tỷ đồng. Trong đó, không có hộ phải xử lý nợ đến hạn cũng như gia hạn nợ và xử lý rủi ro.
Qua triển khai, chính sách hỗ trợ rất phù hợp với thực tế ở địa phương. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn...