Tập trung nguồn lực đầu tư
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thoa (dân tộc Mường) là một trong những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn của khu Minh Tiến, xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập. Sau nhiều năm miệt mài lao động, vượt khó vươn lên, đến nay gia đình chị đã trở thành hộ khá giả tiêu biểu của địa phương.
Chị Thoa cho biết: Nhờ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi đã đầu tư phát triển kinh tế theo mô hình vườn - ao - chuồng. Hằng năm, tôi tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do huyện, xã tổ chức, nhờ đó có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm áp dụng vào thực tế phát triển kinh tế của gia đình. Hiện gia đình tôi có trên 5ha đất trồng chè, bưởi Diễn và chăn nuôi gà ri, bình quân mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng.
Trong những năm qua, không chỉ có gia đình chị Thoa mà rất nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang nhận được sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, toàn tỉnh hiện có 183 xã, thị trấn miền núi; 37 xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), an toàn khu và 200 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn tỉnh có 50 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS có gần 250.000 người, chiếm trên 17% dân số toàn tỉnh. Để phát triển kinh tế - xã hội và chăm lo đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án liên quan đến công tác dân tộc. Qua đó tạo động lực quan trọng tiếp sức cho đồng bào DTTS và vùng DTTS, miền núi đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, từng bước cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Tỉnh đã lồng ghép các nguồn vốn trung ương kết hợp với ngân sách địa phương và kinh phí tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong, ngoài nước để triển khai thực hiện Chương trình 135 - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tính riêng từ đầu năm 2020 đến nay, tổng nguồn vốn phân bổ của tỉnh để thực hiện các chương trình này là trên 109.800 triệu đồng. Nguồn vốn này được sử dụng để duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt; hỗ trợ vốn, giống để phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế… cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK của tỉnh.
Thông qua việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đến nay diện mạo vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. 100% xã vùng DTTS và trên 66% thôn, bản có đường giao thông kiên cố; 100% xã có trạm BTS, sóng di động 3 - 4G, Internet băng rộng cáp quang; trên 90% số hộ đồng bào DTTS có điện, nước sinh hoạt.
Người dân vùng DTTS đã thay đổi căn bản suy nghĩ, dần xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, từng bước tiếp cận và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; phát triển kinh tế gia trại, trang trại, hợp tác xã... Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS đạt trên 21 triệu đồng, bằng 51,78% so với mức bình quân chung cả tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm bình quân 4%/năm; 85% số lao động trong độ tuổi có việc làm. Đặc biệt, huyện Tân Sơn được công nhận thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020.
Quan tâm chăm lo toàn diện
Cùng với những chính sách hỗ trợ về kinh tế - xã hội, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục, y tế, văn hóa… ở vùng đồng bào DTTS. Trong đó đã tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho các nhà trường vùng DTTS; triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ học phí và tiền chi phí học tập cho học sinh người DTTS thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách. Đồng thời đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh thiết yếu cho trạm y tế các xã miền núi; khám chữa bệnh, cấp phát thẻ BHYT, cấp thuốc miễn phí cho người DTTS.
Đến nay, 100% các xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh có đủ hệ thống trường học các cấp từ mẫu giáo, tiểu học đến THCS; tất cả các xã ĐBKK đều có các lớp cắm bản thuận lợi cho học sinh đi học; đã hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS vùng DTTS; tỷ lệ học sinh vùng DTTS đỗ tốt nghiệp THPT đạt trên 99%. Toàn tỉnh có trên 400 cán bộ y bác sĩ là người DTTS, chủ yếu công tác ở tuyến huyện và cơ sở; hàng trăm nghìn đồng bào DTTS được cấp thẻ BHYT miễn phí. Hằng năm có trên 99,5% số trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đủ các loại vác xin miễn dịch cơ bản.
Cùng với đó, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của các DTTS luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo xuyên suốt. Hiện 100% các xã vùng DTTS của tỉnh được đầu tư và duy trì hoạt động hệ thống truyền thanh cơ sở, điểm bưu điện văn hóa xã, tủ sách pháp luật. Hàng trăm khu dân cư thuộc vùng DTTS có nhà văn hóa đạt chuẩn. Đồng bào DTTS tích cực tham gia xây dựng nếp sống văn minh; duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Ngọc Thanh cho biết: Những kết quả tích cực đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi tại Phú Thọ đã khẳng định các chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống. Tuy nhiên so với mặt bằng chung của cả nước, đời sống của đồng bào các DTTS và miền núi của tỉnh còn khó khăn; vẫn có sự chênh lệch so với các địa phương khác về mức sống, tiếp cận y tế, giáo dục…
Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục cùng với cả nước thực hiện “gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”. Đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế toàn diện, tạo bứt phá về tốc độ và chất lượng tăng trưởng, thu hẹp dần khoảng cách giữa vùng DTTS, các xã miền núi với đồng bằng, Trung Du. Đồng thời phát huy vai trò của các trong cộng đồng, tạo điều kiện để đồng bào tích cực, chủ động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… Từ đó tạo ra cơ hội phát triển mới cho vùng DTTS, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững chung của tỉnh.