Điều này đã được chia sẻ tại Lễ Công bố Báo cáo Nghèo đa chiều 2021, sáng 28/7, tại Hà Nội. Báo cáo do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF/VASS).
Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) Kanni Wignaraja tham dự và phát biểu khai mạc Lễ Công bố báo cáo.
Về phía Ủy ban Dân tộc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và lãnh đạo một số Vụ, đơn vị tham dự Lễ Công bố. Lễ Công bố báo cáo còn có sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế; các học giả, chuyên gia...
Với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều quốc gia vào năm 2015, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách. Tuy nhiên, tình trạng nghèo tồn tại trong các nhóm DTTS và dân cư các vùng ven biển, hải đảo là một thách thức đối với Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đại dịch Covid-19 khiến cho nỗ lực xóa bỏ nghèo đói gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo, Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo đa chiều nhờ tăng việc làm năng suất cao; cải thiện các dịch vụ xã hội; mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương và chênh lệch vẫn là những thách thức lớn. Tình trạng nghèo về thu nhập tạm thời tăng trong thời kỳ Covid-19. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc đã giảm, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao trong đồng bào DTTS.
Cụ thể là, mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực giáo dục đang gia tăng, bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ và thiết bị vẫn là một thách thức. Sự phân chia kỹ thuật số càng sâu hơn trong thời kỳ covid-19. Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế đã được cải thiện, nhưng vẫn còn chênh lệch, đặc biệt là giữa y tế tuyến trên và y tế cơ sở. Về bảo trợ xã hội, các chương trình hỗ trợ tiền mặt có phạm vi bao phủ hạn chế và lợi ích thấp...
Phát biểu tại Lễ Công bố, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Việc áp dụng phương pháp tiếp cận “Nghèo đa chiều” đã hỗ trợ rất lớn trong xây dựng, triển khai và đo lường sự thành công của chính sách dân tộc trong giai đoạn vừa qua. Cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng DTTS được đầu tư cơ bản, khang trang, giáo dục đào tạo, đời sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe của đồng bào DTTS được quan tâm sâu sắc và cải thiện vượt bậc; các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào được giữ gìn, tuổi thọ trung bình của đồng bào ngày càng cao.
Báo cáo nghèo đa chiều Việt Nam qua các giai đoạn, các năm, do UNDP hỗ trợ xây dựng cũng cho thấy một thực tế là tỷ lệ nghèo đa chiều trên toàn quốc đã giảm trên diện rộng, nhưng số hộ nghèo chủ yếu lại tập trung ở các đồng bào DTTS và đặc biệt vẫn còn cao ở một số nhóm DTTS.
Ủy ban Dân tộc kỳ vọng Báo cáo “Nghèo đa chiều Việt Nam 2021” chỉ ra được những tồn tại căn bản, các nguyên nhân chính của Nghèo đa chiều vùng DTTS và miền núi tại Việt Nam, từ đó đề xuất ra các phương hướng, biện pháp, công cụ hữu hiệu, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc, các bộ ngành liên quan và các tỉnh vùng DTTS và miền núi thực hiện thành công Đề án Tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; các chương trình mục tiêu quốc gia khác, cùng các chương trình, chính sách dân tộc.
Bên cạnh đó, những tồn tại, khó khăn được chỉ ra trong Báo cáo “Nghèo đa chiều Việt Nam 2021” cũng là cơ sở, là những vùng còn thiếu, còn yếu mà Ủy ban Dân tộc và đồng bào các DTTS đang rất cần những hỗ trợ, giúp đỡ từ phía các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ.
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chia sẻ: “Báo cáo cung cấp những phân tích chi tiết về việc làm năng suất, dịch vụ xã hội và an sinh xã hội cho mọi người và đây được coi như giải pháp hữu hiệu để duy trì thành tựu giảm nghèo đa chiều và đổi mới hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam, khuyến nghị duy trì tốc độ giảm nghèo nhanh ở mọi khía cạnh và mọi nơi trong đó có các giải pháp hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới”.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam chịu tác động nặng từ đại dịch Covid-19, nguồn lực trong nước còn hạn chế, nguồn lực quốc tế dành cho Việt Nam ngày càng ít, những hỗ trợ cả về kỹ thuật và nguồn lực từ các tổ chức, đối tác, nhà tài trợ quốc tế sẽ là một phần quan trọng, đóng góp vào sự thành công của quá trình giảm nghèo cho vùng “khó khăn nhất” của Việt Nam.
Tại lễ Công bố, báo cáo chia sẻ những phát hiện chính và khuyến nghị quan trọng để đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh ở mọi chiều cạnh và mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam.
Thảo luận tại Lễ Công bố, các đại biểu đề xuất nhằm hoàn thiện hơn nữa các giải pháp thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn mới. Ông Hà Việt Quân, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 bày tỏ vui mừng, khi xác định đúng các vấn đề phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS bằng việc thiết kế và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu, giải pháp toàn diện ở các lĩnh vực, nội dung khuyến nghị báo cáo đưa ra cũng giải quyết được những vấn đề này.
Theo ông Hà Việt Quân, hệ thống chính sách phải vừa tổng thể nhưng cũng phải linh hoạt, phù hợp với sự khác biệt của từng vùng miền, dân tộc. Đặc biệt ông Hà Việt Quân nhấn mạnh đến sự thay đổi cách tiếp cận: Hỗ trợ, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tư nhân; quan tâm đến các chính sách an sinh; mở rộng đối tượng, không chỉ hỗ trợ người nghèo, mà hỗ trợ những người biết làm ăn, mới thoát nghèo, kể cả những hộ giàu, sử dụng tư duy của người giàu để hỗ trợ cho người nghèo và cộng đồng đó. Như vậy mới tạo ra sự phát triển bền vững.
Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNDP Kanni Wignaraja trong bài phát biểu khai mạc đã nêu rõ 5 khuyến nghị chính cho nỗ lực tăng tốc giảm nghèo ở mọi khía cạnh, bao gồm: Các nỗ lực đầu tư và chính sách cần thiết để khuyến khích và cải thiện việc làm năng suất cao; cải thiện việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng và nâng cao khả năng tiếp cận đối với cộng đồng ở vùng sâu, vùng xa; mở rộng bảo trợ xã hội, không phải là tạm thời để ứng phó với các cuộc khủng hoảng, mà như một hệ thống thường trực linh hoạt và mở rộng hơn; mở rộng việc sử dụng số hóa trong việc thực hiện,trong kinh tế tri thức, nâng cao hiệu quả và tính minh bạch; thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và mở rộng quy mô đối với các thí điểm thành công vì và do các cộng đồng dân tộc thực hiện.