Là huyện vùng cao hầu hết là đồng bào DTTS sinh sống, Thuận Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai Chương trình MTQG 1719 hiệu quả. Qua đó chủ động, quyết liệt trong công tác tổ chức quản lý, điều hành, hướng dẫn triển khai thực hiện, để góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS trên địa bàn.
Tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình
Xác định khó khăn của huyện là có tới 24/29 xã vùng III đặc biệt khó khăn, vì vậy, để chăm lo, ổn định đời sống cho đồng bào DTTS, thì cấp ủy, chính quyền và Nhân dân phải quyết tâm, đồng lòng thực hiện hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước, triển khai hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi và công cụ sản xuất; quan tâm đào tạo nghề, hỗ trợ lao động có việc làm ổn định, lâu dài; đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế vùng....
Huyện Thuận Châu đã tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn trước hết đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất gắn xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển sản xuất. Sau hơn 4 năm qua (giai đoạn 1: 2021 – 2025) triển khai Chương trình MTQG đến nay, huyện Thuận Châu đã hình thành vùng sản xuất tập trung.
“Đối với các dự án, công trình được UBND tỉnh phê duyệt, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Ban Quản lý dự án đôn đốc các nhà thầu thực hiện khảo sát, thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật”, đại diện lãnh đạo Phòng Dân tộc huyện Thuận Châu cho biết.
Nhờ vậy, Nhân dân trong huyện được cải thiện về đời sống, nhà ở và điều kiện sinh hoạt. Giai đoạn 2019-2023, huyện đã hỗ trợ máy móc, nông cụ sản xuất cho 390 hộ nghèo; hơn 900 hộ nghèo thiếu đất sản xuất được vay vốn chuyển đổi nghề. Hỗ trợ cá giống, bê giống cho 646 hộ đồng bào dân tộc La Ha ở 4 xã Nong Lay, Chiềng La, Chiềng Pha, Liệp Tè, với tổng kinh phí hơn 6,6 tỷ đồng. Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức phát triển sản xuất và sinh kế cho 504 hộ gia đình dân tộc La Ha. Có 5.959 hộ gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, với tổng dư nợ 822 tỷ đồng.
Hiện nay, diện mạo đô thị, nông thôn mới của huyện có nhiều khởi sắc. Đường, điện, trường, trạm được đầu tư xây dựng, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 72,9% số bản, tiểu khu có đường bê tông; 99% số hộ có điện lưới quốc gia; 100% dân số được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Huyện đã có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sự nghiệp giáo dục, y tế được quan tâm; phong trào xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững, ổn định.
Cuối năm 2023, bản Huổi Lọng, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, đón niềm vui khi các tuyến đường nội bản, đường ngõ hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng chiều dài gần 3km, tổng mức đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Dự án “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” thuộc Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.
Anh Lò Văn Yên, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Huổi Lọng, cho biết: “Bản có 5 dân tộc La Ha, Kháng, Thái, Khơ Mú, Kinh cùng sinh sống; trong đó, dân tộc La Ha có 140 hộ. Trước đây, con đường nội bản là đường đất, mưa thì lầy lội, nắng thì bụi bẩn, ảnh hưởng đến cuộc sống, phát triển kinh tế của Nhân dân. Giờ đây, con đường đã được đổ bê tông kiên cố, sạch sẽ, thuận lợi cho việc đi lại, nông sản của người dân làm ra được ô tô về tận bản mua với giá cao. Bản vận động Nhân dân thường xuyên quét dọn, bảo vệ, sử dụng hiệu quả, lâu dài công trình”.
Theo đánh giá của huyện, hiện nay, địa phương có gần 4.300ha cây ăn quả các loại; sản lượng năm 2023 đạt trên 22.500 tấn. Có 10 mã số vùng trồng; trong đó, 2 mã vùng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, Đu Bai, Nhật Bản; 8 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, với tổng diện tích 182ha; có 11 chuỗi liên kết sản xuất, 8 sản phẩm OCOP. Chăn nuôi phát triển cả về số lượng, quy mô và cơ cấu đàn; bước đầu hình thành các mô hình trang trại, với trên 135.000 con gia súc, hơn 735.000 con gia cầm các loại. Nhân dân các xã vùng lòng Hồ Thủy điện Sơn La nuôi trên 650 lồng cá; sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đạt 1.300 tấn/năm. Đời sống Nhân dân được nâng lên, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,77%.
Tăng cường giám sát để điều chỉnh kịp thời các bất cập
Tập trung nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG 1719, lãnh đạo huyện Thuận Châu cho biết, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát cũng như tìm cách làm mới để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Theo đó, huyện thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình; tổ chức thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm". Đôn đốc các cơ quan, đơn vị và UBND các xã được giao làm chủ dự án, dự án thành phần... khẩn trương thực hiện các nội dung, hạng mục đảm bảo theo kế hoạch đề ra.
Việc triển khai thực hiện Chương trình tại huyện Thuận Châu cũng chính là định hướng chung được lãnh đạo tỉnh Sơn La chỉ đạo các địa phương, cơ quan trong tỉnh tập trung thực hiện.
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, trong quá trình tổ chức triển khai Chương trình MTQG 1719, địa phương đã bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương cũng như có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn tại địa phương.
Đặc biệt, tỉnh luôn chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát, để qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh bất cập. “Điều này thể hiện rõ trong kế hoạch triển khai Chương trình của tỉnh, trong đó gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện Chương trình và coi kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ không tách rời” .
Huyện Thuận Châu xác định phấn đấu nhiều hơn nữa để mỗi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hoàn thành thoát nghèo vào năm 2025 và trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Sơn La.