Tiếp Chủ tịch Tập đoàn lưới điện Phương Nam của Trung Quốc Lý Khánh Khôi, Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của Tập đoàn sẽ đưa tổ máy số 1 của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, một dự án được ký tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 2006 tại Việt Nam, vào hoạt động vào tháng 6 năm tới. Nếu đi vào hoạt động như dự kiến, dự án sẽ hoàn thành sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch.
Thủ tướng cũng hoan nghênh Tập đoàn lưới điện Phương Nam mong muốn thành lập liên doanh với Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đầu tư vào các dự án nhà máy điện khác theo hình thức BOT.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn dự APEC. (Ảnh: TTXVN) |
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý Tập đoàn khi xây dựng và vận hành các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam phải hết sức quan tâm tới vấn đề xử lý tro bụi để bảo vệ môi trường.
Theo đó, Tập đoàn phải có các giải pháp để các nhà máy nhiệt điện không làm ảnh hưởng đến du lịch biển ở tỉnh Bình Thuận cũng như không ảnh hưởng xấu đến các vùng nuôi trồng thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Tập đoàn chia sẻ kinh nghiệm của Trung Quốc và có giải pháp sử dụng xỉ từ các nhà máy nhiệt điện để làm nền đường hoặc vật liệu xây dựng một cách hiệu quả.
Tiếp Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi, ông Omiya Hideaki, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tập đoàn đang đầu tư có hiệu quả vào một số dự án công nghệ cao ở Việt Nam, trong đó có nhà máy sản xuất linh kiện máy bay ở Hà Nội.
Hiện tại, Mitsubishi đang cấp một số học bổng cho các sinh viên ưu tú Việt Nam sang học 5 năm đại học ở Nhật Bản sau đó đưa trở về Việt Nam làm việc.
Nếu như trước đây các thiết bị cánh của máy bay Boeing được sản xuất ở Việt Nam phải mang về Nhật Bản kiểm tra rồi mới xuất khẩu sang Mỹ, thì nay toàn bộ các sản phẩm trong đó, có cả cánh cửa máy bay Boeing 777, một sản phẩm có yêu cầu hàm lượng khoa học công nghệ cao, đã được sản xuất ở Việt Nam và xuất thẳng sang Mỹ.
Từ thành công này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Mitsubishi mở rộng đầu tư các dự án công nghệ cao ở Việt Nam cũng như mở rộng việc đào tạo kỹ thuật viên và kỹ sư từ những sinh viên tài năng của Việt Nam.
Trước đó, cùng ngày, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước tài trợ cho Tuần lễ Cấp cao APEC.
Tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các doanh nghiệp đã tài trợ cho sự kiện chính trị, kinh tế và đối ngoại quan trọng này của Việt Nam để cùng với Chính phủ làm nên thành công của Năm APEC 2017. Thủ tướng nhấn mạnh, Tuần lễ cấp cao APEC có ý nghĩa trọng đại vì đã hội tụ được lãnh đạo và doanh nghiệp của các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hơn nữa tiến trình tự do hóa thương mại, đồng thời cũng là dịp để các nền kinh tế thành viên hiểu rõ hơn về con người, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Vì thế các nhà tại trợ đã đồng hành và chung tay cùng Chính phủ làm nên thành công của Tuần lễ cấp cao APEC, qua đó, các nhà Lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ đưa ra những giải pháp tối ưu để cùng nhau "tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”./.
Theo vov.vn