Câu chuyện về Bhukram
Bhukram (thương hiệu thời trang sử dụng vải nhuộm tự nhiên) là đứa con tinh thần của Pilan Meaw Thaisuang, nhà sử học trẻ người Thái đam mê thiên nhiên và lối sống truyền thống trên những ngọn đồi ở Phu Phan.
Meaw lớn lên ở Nang Toeng, nơi có nhiều thế hệ cư dân sống bình dị, gần gũi với thiên nhiên. Sau đó, cô rời quê hương để theo đuổi tấm bằng đại học ở Băng Cốc trong gần 10 năm.
Sau khi tốt nghiệp, Meaw làm việc một thời gian ngắn tại Băng Cốc với vai trò là nhà nghiên cứu lịch sử. Tuy nhiên, vì tình yêu quê hương sâu đậm và niềm đam mê vô hạn với vải vóc, thêu thùa cũng như “cái đẹp” từ cuộc sống và thời trang đã khiến Meaw quyết định từ bỏ công việc ổn định ở thành phố trở về quê.
“Tôi yêu quê hương của mình, tôi luôn muốn trở về nhà sau khi học xong. Tôi muốn trở lại để làm một điều gì đó cho gia đình và quê hương ”, Meaw tâm sự.
Sau đó, Bhukram ra đời. Meaw đã rời bỏ công việc “ổn định” của mình để theo đuổi một công việc đầy thử thách cùng sự “không chắc chắn”. Và từng chút một, cô tự tay xây dựng thương hiệu, làm việc với những người phụ nữ địa phương để thổi luồng sinh khí mới vào nghề thủ công truyền thống.
Trong 7 năm qua, Bhukram đã hồi sinh nghệ thuật dệt vải bông đang có nguy cơ biến mất trong cộng đồng. Các nghệ nhân làm việc tại đây đều là dân địa phương. Họ trồng cây, nhuộm bông và dệt vải bằng chính đôi tay của mình. Thông qua chiếc kim, sợi chỉ, câu chuyện về cuộc sống con người, vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất này dần hiện lên với những họa tiết được thêu cầu kỳ, phức tạp, đã tạo nên nét độc đáo có một không hai cho Bhukram.
Những bông hoa đầy màu sắc, những con suối, trang trại hay cánh đồng chính là nguyên liệu giúp tạo nên các thiết kế của Bhukram. Các mặt hàng tại đây khá đa dạng: Từ khăn quàng cổ, áo khoác, váy, áo sơ mi đến khăn trải bàn, túi xách… tất cả đều được làm thủ công.
Có thể khẳng định, thiết kế ở đây là độc nhất và được sản xuất mỗi chiếc một lần bởi chính những người thợ thủ công này. Giá bán dao động từ khoảng 45 đô la Mỹ cho một chiếc khăn quàng cổ, nhưng có thể vượt quá 500 đô la Mỹ đối với một chiếc váy.
Tavee, một người thợ ở Bhukram nói: “Tôi rất biết ơn Meaw đã cho tôi cơ hội làm việc như thế này. Đây là những gì tôi muốn làm khi còn nhỏ. Vẽ là đam mê của tôi nhưng vì cuộc sống khó khăn nên tôi không thể theo đuổi nó. Nhưng đến giờ, tôi đã được sống trong nghệ thuật”.
Trước khi mở cửa hàng, Bhukram hầu như chỉ hoạt động trực tuyến thông qua trang Facebook của mình, hiện có hơn 33.000 người theo dõi. Đây cũng là nơi Meaw đăng tải các sản phẩm và những câu chuyện “hậu trường” trong quá trình làm nên các “tác phẩm nghệ thuật đó”. Những hình ảnh, video đăng tải thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi người.
Mỗi bộ sưu tập đều có số lượng sản phẩm giới hạn. Các sản phẩm sau khi làm xong sẽ được sắp xếp để chụp mẫu, sau đó gắn kèm với thẻ tên và ảnh của các nghệ nhân đã tạo ra chúng, bao gồm thợ dệt, thợ nhuộm, thợ may và thợ thêu, rồi đăng lên trang bán hàng để người mua có được thông tin cụ thể nhất về sản phẩm.
Hầu hết các sản phẩm đều cháy hàng chỉ trong vài phút đầu đăng ký. Những khách hàng không mua kịp phải đợi hàng tuần, thậm chí hàng tháng cho đến khi bộ sưu tập mới được tung ra.
“Tôi rất tự hào, đặc biệt là khi nhận được lời khen từ khách hàng. Hạnh phúc nhất là khi họ chỉ đích danh và nói muốn mua sản phẩm của tôi”, thợ thêu Areena Tabonglek nói.
Một nguồn thu nhập mới
Tại làng Nang Toeng, hiện có 45 thợ thêu đang làm việc với Bhukram. Họ đều là những người thân, hàng xóm và bạn bè của nhau, những người chủ yếu làm nông để kiếm sống.
Việc thêu thùa thường được thực hiện khi họ rảnh nên mỗi tác phẩm có thể mất đến vài tuần hoặc vài tháng để hoàn thành. Các nghệ nhân được trả tiền khi họ gửi tác phẩm đi và được duyệt. Số tiền không cố định tùy theo độ phức tạp và chất lượng của đường may. Đối với phụ nữ địa phương, đây là một nguồn thu nhập bổ sung để trang trải thêm cho gia đình.
“Thu nhập thường không đều đặn, dao động từ 600-900 đô la Mỹ mỗi tháng nhưng chúng tôi không phải làm thêm giờ. Bằng cách làm việc ở nhà, tôi có thể trông con, tưới cây, dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn…” Tavee chia sẻ.
Thời trang “chậm”
Ở Thái Lan, Bhukram nổi tiếng với những người coi trọng hàng thủ công mỹ nghệ, thân thiện với thiên nhiên, trái ngược hoàn toàn với thời trang nhanh.
Thời trang nhanh có ảnh hưởng lớn giúp ngành công nghiệp thời trang phát triển vượt bậc. Bằng việc sản xuất hàng loạt các sản phẩm may mặc hợp thời trang, rẻ tiền, chất lượng thấp và chỉ dùng một lần hoặc rất ít lần. Mô hình kinh doanh này rất phổ biến ở Thái Lan và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tỉ lệ thuận với sự phát triển đó là những tác động rất xấu đến môi trường.
Trong 7 năm qua, các sản phẩm thiết kế độc đáo, sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên của Bhukram vẫn thu hút rất đông khách hàng. Nhiều người trong số họ đã đi máy bay hoặc lái xe hàng giờ đồng hồ để tham dự buổi khai trương cửa hàng Bhukram tại làng Natoeng.
“Tôi rất ngạc nhiên với cách thêu của họ, nó không chỉ đòi hỏi một khói óc đầy nghệ thuật mà còn phải có sự tỉ mỉ, tận tâm với sản phẩm. Điều khiến tôi ủng hộ hơn nữa là vì Bhukram làm rất tốt việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với nhiều lứa tuổi và sản phẩm lại cực kỳ thân thiện với môi trường”, Nitaya Onhan, một "khách ruột” của cửa hàng chia sẻ. Nitaya đã đáp chuyến bay từ Bangkok đến Sakon Nakhon cùng bạn bè và lái xe hơn một tiếng đồng hồ để đến ngôi làng.
Còn với Chalunthorn Boonwattanaphon, một vị khách mới biết đến Bhukram cho biết: “Tôi biết nhiều thương hiệu thêu tay, nhưng Bhukram đặc biệt hơn cả vì mỗi sản phẩm của họ đều chứa đựng một câu chuyện của người thợ thêu. Nó là sản phẩm độc nhất vô nhị”.