Thổ cẩm của người Cơ-tu được dệt thủ công với nguyên liệu như bông, gai, se sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn... Từ những đôi tay thô, chai sạn, những người phụ nữ Cơ-tu đã tạo nên hình ảnh núi rừng đại ngàn Đông Giang, hoa ablơm, lá atút, hoa văn bằng cườm trong các điệu múa uyển chuyển miền sơn cước... Từ năm 2003 đến nay, tổ chức Tầm nhìn thế giới đã hỗ trợ dạy học cho hơn 100 phụ nữ vùng cao nơi đây. Nhờ vậy mà từ chỗ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, bây giờ họ đã biết sản xuất tập thể.
Tay nghề của các thợ dệt cũng được nâng cao qua các khóa đào tạo. Bríu Thị Minh (1982, xã Tà Lu) đã tham gia làng nghề Bhơ Hôông được hơn 1 năm. Khoảng thời gian đó, chị được hỗ trợ học nghề và có thêm thu nhập đáng kể cho gia đình. Nhiều chị em phụ nữ đồng bào Cơ-tu đều cảm nhận và tự hào về sự khởi sắc trông thấy của làng nghề dệt thổ cẩm của huyện. Trong đó, 2 làng nghề Bhơ Hôông (xã Sông Côn), Đhrôồng (xã Tà Lu) được khôi phục và phát triển mạnh mẽ nhất.
Năm 2014, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã cho đăng ký nhãn hiệu “COTU YAYA DHROONG” với 6 nhóm sản phẩm sản xuất tại Tổ hợp tác dệt thổ cẩm Làng nghề thôn Đhrôồng: nịt, giày dép, túi đựng điện thoại, túi đựng laptop, ví nam/nữ, khăn trải bàn. Mỗi sản phẩm có giá dao động từ 35.000-1 triệu đồng tùy theo kích thước, kiểu loại.
Ngoài việc tạo thành sản phẩm bắt mắt, hoa văn tinh tế, nhiều người dân tự tin đứng trước khách du lịch giới thiệu những sản phẩm thủ công do chính tay họ làm thông qua khóa học kỹ năng tiếp cận thị trường. 2 làng nghề ở Đông Giang ngày càng có uy tín trên thị trường và thu hút nhiều bạn hàng trong nước như Huế, Đà Nẵng, Hội An... và ngoài nước như Hoa Kỳ.
Đến nay, thổ cẩm của đồng bào Cơ-tu ở Đông Giang không chỉ bán lẻ cho khách du lịch mà sẵn sàng làm theo đơn đặt hàng của khách hàng. Nhờ đó, sản phẩm ngày càng được khách hàng ưa chuộng...
BTK