Bất bình đẳng trong phòng chống thiên tai
Nhận xét về vai trò của phụ nữ trong phòng chống thiên tai (PCTT), bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam cho biết, từ nhiều năm nay, Việt Nam đã ghi nhận nguyên tắc bình đẳng giới trong Luật PCTT 2013. Tuy nhiên, trên thực tế, phụ nữ đang gặp rất nhiều hạn chế trong tiếp cận thông tin; đặc biệt là họ chưa được tham gia hay có tiếng nói quyết định trong PCTT.
Qua khảo sát tại cơ sở, chúng tôi cảm nhận sâu sắc điều này. Ông Nguyễn Xuân Nhất, Trưởng thôn Yên Thượng, xã Vĩ Thượng, huyện Quang Bình (Hà Giang) cho biết, thôn của ông hiện có 170 hộ dân cùng sinh sống. Thỉnh thoảng cán bộ ở huyện, xã về thông báo tình hình và tập huấn một số kỹ năng PCTT, tuy nhiên các gia đình thường cử đại diện là nam giới tham dự, nữ giới hầu như không tham gia. Bởi hầu hết các ý kiến cho rằng, PCTT là việc nặng nên cử nam giới đi là thích hợp.
Chính từ những suy nghĩ này nên việc phụ nữ tiếp cận thông tin và tham gia PCTT rất mờ nhạt. Anh Trần Ngọc Nam, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) trồng cam ở thôn Vĩnh Gia, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang (Hà Giang) cho biết, HTX xã của anh gồm có 12 hộ gia đình, trong đó có tới 11 hộ cử người chồng đứng ra làm chủ. Để quyết định vấn đề liên quan đến hoạt động của HTX; kể cả việc bàn bạc các giải pháp khắc phục việc cam rụng sau thiên tai như giá bán, tái canh, dùng phân bón… đều do nam giới bàn. Sau đó, họ về phân công các thành viên khác trong gia đình thực hiện. Người phụ nữ gần như chỉ làm những công việc do nam giới phân công. Trong khi, rõ ràng họ chính là những người thực hiện chính những quyết sách ứng phó này.
Trao quyền cùng quyết định
Để giải quyết khoảng trống bất bình đẳng giới trong PCTT, bà Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng, tác động của thiên tai tới nam giới và nữ giới là không hề giống nhau và nữ giới có xu hướng dễ bị tổn thương và phải chịu nhiều tác động hơn nam giới trước các rủi ro. Trước thiên tai thì phụ nữ phải chuẩn bị vật lực, nhu yếu phẩm để phòng chống; thiên tai đi qua thì dọn dẹp. Hơn nữa, vì sinh kế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, phụ nữ đóng vai chính nên sau thiên tai, việc phục hồi sản xuất phần lớn trông chờ vào phụ nữ.
Do đó, chúng ta cần tăng cường vai trò chủ động của nữ giới trên các lĩnh vực cuộc sống. Khung hành động Sendai về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2015 cũng cần đề xuất ưu tiên “trao quyền phụ nữ” để công khai dẫn dắt và thúc đẩy việc ứng phó, phục hồi và tái thiết dựa trên bình đẳng giới và đạt đến mức phổ quát.
Bà Hương nhấn mạnh “để có thể bảo đảm bình đẳng giới trong PCTT, trước tiên chúng ta cần xây dựng bộ dữ liệu phân tích giới trong báo cáo tác động thiên tai. Đây là điều kiện cần thiết để có đủ bằng chứng khoa học trong hoạch định chính sách. Không có đủ dữ liệu những rủi ro mà nam giới và phụ nữ phải đối mặt trong và sau những thảm họa tự nhiên, sẽ không được hiểu đầy đủ và nhiều khi “một nửa của thế giới” vẫn sẽ bị bỏ lại phía sau. Dữ liệu có phân tách giới và độ tuổi giúp cho các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn toàn diện hơn về nhu cầu của người dân, giúp cải thiện hiệu quả các hoạt động nhân đạo, theo đúng nhu cầu của từng nhóm đối tượng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đặng Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng (Tổng cục Phòng chống thiên tai) chia sẻ, hiện nay, Việt Nam chưa có bộ cơ sở dữ liệu về thiên tai được phân tách giới. Đây thật sự là một việc rất đáng tiếc. Vì vậy, thời gian tới, các cấp ngành nên xúc tiến việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu này.