Những bài học rút ra từ thực tế
Tại Hội nghị sơ kết gần 3 năm triển khai Cuộc vận động mới diễn ra vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum cũng đã nhìn nhận những hạn chế: Đó là, việc triển khai Cuộc vận động ở một số địa phương còn hình thức, chưa phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị; một số địa phương chưa chú trọng đến công tác xây dựng mô hình điểm; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào DTTS chưa thật sự am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán, ngôn ngữ của đồng bào DTTS nên công tác tuyên truyền, vận động chưa thực sự hiệu quả.
Bà Y Hương, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Qua thực tiễn triển khai ở địa phương, ở một số thôn, phương thức tuyên truyền, vận động của cán bộ xã, thôn có nội dung chưa chủ động, quyết liệt. Cán bộ thôn, làng có lúc có nơi chưa nhiệt tình trách nhiệm với công việc, công tác phối hợp với cán bộ xã còn hạn chế.
Trong quá trình triển khai, các địa phương cho rằng, việc lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ thực hiện Cuộc vận động gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một bộ phận người DTTS chưa ý thức được vai trò quan trọng của kinh tế nông nghiệp, chưa sử dụng hiệu quả, đúng mục đích các nguồn vốn vay, các nguồn hỗ trợ để phát triển sản xuất; còn duy trì một số hủ tục, phong tục lạc hậu; chưa có ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo...
Từ những hạn chế đó, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo Trường Chính trị tỉnh Kon Tum phối hợp với Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học Đẩy mạnh Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, việc tổ chức Hội thảo nhằm đúc kết lý luận và thực tiễn, qua đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương những giải pháp hữu hiệu trong việc triển khai Cuộc vận động vào thời gian tới. Đồng thời, trao đổi, thảo luận làm rõ những vấn đề mang tính lý luận như: nếp nghĩ, cách làm, nghèo đa chiều, thoát nghèo bền vững... để tạo sự nhận thức rõ ràng, thống nhất về nội hàm, mục tiêu của Cuộc vận động mà tỉnh đang triển khai; mối quan hệ tác động của Cuộc vận động với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các cuộc vận động khác trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đưa Cuộc vận động đi vào chiều sâu, thực chất
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động, tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã chỉ đạo các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động. Trọng tâm, là phát huy cao nhất vai trò lãnh đạo của cấp ủy; phân công cán bộ, đảng viên, cá nhân tiêu biểu trực tiếp tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS lựa chọn mô hình, cách thức sản xuất, kinh doanh phù hợp để vươn lên thoát nghèo bền vững với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “mưa dầm thấm lâu”, “cầm tay chỉ việc”.
Ông Thái Văn Tưởng, Bí thư Huyện ủy Đăk Glei cho biết: Trong thời gian tới, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS đi tham quan, học tập một số mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trên địa bàn các xã, trước mắt là các hộ có khát vọng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, để người dân được tiếp cận trực tiếp các mô hình trên với phương châm “thấy tận mắt, nghe tận tai, sờ tận tay”, để áp dụng vào thực tế. Chỉ đạo các xã phân công đảng viên, đoàn viên, hội viên trực tiếp phụ trách giúp đỡ từng hộ nghèo phát triển sản xuất, với phương châm “xã bám thôn, thôn bám hộ”.
Tỉnh Kon Tum cũng xác định, ưu tiên lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia và huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ xây dựng các mô hình thực hiện Cuộc vận động gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS tiếp cận, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi; vận động đồng bào DTTS tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao thu nhập.
Theo ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Kon Tum, cuộc vận động đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 có từ 70% trở lên hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, tự vươn lên thoát nghèo bền vững và có trên 25% số hộ tham gia các tổ hợp tác, Hợp tác xã. Đây là nhân tố giúp đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm hiệu quả. Nhưng khi triển khai cần lưu ý, việc thành lập các loại hình kinh tế hợp tác ở vùng đồng bào DTTS cần dựa vào tình hình thực tế, đi từng bước từ thấp đến cao (tức là từ mô hình nhóm/tổ hợp tác hoạt động theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP quy định về Tổ hợp tác đến loại hình Hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012).
"Để đạt được mục tiêu đặt ra, cấp ủy, chính quyền phải coi việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS là một quá trình quan trọng, lâu dài, không thể thực hiện một cách chủ quan, duy ý chí", ông Đặng Thanh Long nhấn mạnh.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ phải thực hiện đó là: “Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào DTTS. Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên tự thoát nghèo”.
Vì vậy, tỉnh Kon Tum xác định, việc làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS là việc làm thường xuyên, lâu dài để giúp cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế một cách toàn diện, đảm bảo cuộc sống ấm no, giữ gìn và phát huy các truyền thống văn hóa tốt đẹp, làm cho đồng bào DTTS tin tưởng và đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.