Quả ngọt từ gian khó
Cách trung tâm thị trấn Phong Thổ khoảng 30 km, Huổi Luông là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ (Lai Châu), có đường biên giới dài gần 14 km với 15 cột mốc. Toàn xã có 21 bản với 1.411 hộ gia đình, 7.497 nhân khẩu; gần 100% đồng bào DTTS sinh sống; trong đó, dân tộc Hà Nhì, Dao, Mông chiếm đa số.
Có thời điểm, Huổi Luông được xem là “điểm nóng” về an ninh biên giới; về tôn giáo, dân tộc; về tranh chấp đất đai; làm thuê nước ngoài; mua bán người, phụ nữ lấy chồng Trung Quốc; mua, bán, sử dụng trái phép chất ma túy; trộm cắp tài sản qua biên giới; tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí tự chế và nhiều tệ nạn khác...
Ông Hoàng A Dọ, Chủ tịch UBND xã Huổi Luông, vẫn còn nhớ những vụ việc phức tạp về an ninh trật tự xảy ra trên địa bàn. Có thể kể đến như: tháng 5/2011, người dân bản Làng Vây 1, đòi hỏi yêu sách không lập danh sách bầu cử HĐND các cấp, 07 thanh niên ở 04 bản người Mông tự ý trốn đi Mường Nhé tham gia thành lập nhà nước Mông; năm 2012, người dân bản Ma Lù Thàng 1, 2 đánh cán bộ, chống người thi hành công vụ; năm 2013, tranh chấp đất đai phức tạp kéo dài nhiều năm giữa Nhân dân bản Làng Vây 1 (xã Huổi Luông) với Nhân dân bản Pa Tần (xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ)…
Trước diễn biến phức tạp của Huổi Luông, xác định muốn phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn này, thì công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) phải đi trước một bước. Đặc biệt là từ khi có Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2021” theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg (Đề án 1163), cấp ủy, chính quyền xã Huổi Luông đã đẩy mạnh TTPBGDPL, làm nền tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Huổi Luông dần khoác lên mình sinh khí mới. Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, công tác TTPBGDPL đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành các quy định của pháp luật, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, tạo “sức bật” cho các phong trào thi đua lao động sản xuất ở Huổi Luông.
“Quả ngọt” là, Huổi Luông đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tháng 4/2021, xã đã “về đích” nông thôn mới. Tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người ở Huổi Luông đạt khoảng 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%. Lao động có việc làm trong độ tuổi lao động đạt trên 90%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hơn 95%, 100% các bản được sử dung điện lưới quốc gia…
TTPBGDPL là công tác thường xuyên, liên tục
Hiện Huổi Luông được đánh giá là xã có mức thu nhập cao của huyện Phong Thổ. Dù vậy, việc TTPBGDPL vẫn được xã Huổi Luông xác định công tác trọng tâm, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.
Mới đây, ngày 11/7/2022, tại Hội trường Nhà văn hóa hữu nghị Việt – Trung, UBND xã Huổi Luông phối hợp với Đồn Biên phòng Huổi Luông, đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trên địa bàn xã.
Tại Hội nghị, các đại biểu được báo viên pháp luật cấp huyện thuộc Đồn Biên phòng xã Huổi Luông cung cấp, giới thiệu các chuyên đề: Nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam; Nghị định số 106/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Biên phòng Việt Nam.
Nhằm ghi nhận những đóng góp của đồng bào các DTTS trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tháng 12/2020, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp của với các Ban, Bộ ngành Trung ương tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II. Tại Đại hội, hàng trăm tấm gương tiêu biểu, những điển hình rất xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và sẵn sàng chiến đấu được ghi nhận, tôn vinh, biểu dương và trao tặng những phần thưởng cao quý. Từ đó, trở thành động lực mạnh mẽ, tạo sức lan tỏa lớn, động viên đồng bào DTTS trên mọi miền đất nước khắc phục khó khăn, vượt qua chính mình, ra sức thi đua lập thành tích xuất sắc hơn nữa, cùng đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Theo Chủ tịch UBND xã Huổi Luông, ông Hoàng A Do, với địa thế hiểm trở và những khó khăn, hạn chế khác, các địa bàn vùng biên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Nhất là các loại tội phạm như: buôn bán, vận chuyển vũ khí quân dụng trái phép qua biên giới, xuất, nhập cảnh trái phép, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, tội phạm ma túy… luôn luôn tiềm ẩn nguy cơ. Chính vì vậy, công tác TTPBGDPL vẫn được xã duy trì thường xuyên để nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn.
Huổi Luông là một trong hàng nghìn xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đã vươn lên mạnh mẽ, thoát khỏi tình trạng nghèo, từng bước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Điều này minh chứng, một khi nhận thức của người dân được nâng lên, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước thì các phong trào thi đua lao động sản xuất có thêm trợ lực mới; dù gian nan nhưng không khó để hoàn thành.
Đơn cử như trong phong trào xây dựng nông thôn mới, tại thời điểm tháng 8/2018, cả nước có 1.052 xã vùng DTTS và miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29%. Đến hết năm 2020, toàn vùng đã có 2.947 xã “về đích” đạt 44,8% tổng số xã;…
Nhận thức về pháp luật được nâng lên giúp đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa nỗ lực vươn lên để phát triển kinh tế gia đình. Trong những năm qua, đồng bào các DTTS đã phát huy truyền thống đoàn kết, tích cực thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đã đạt được nhiều kết quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Phong trào thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế ngày càng phát triển rộng khắp góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS từng bước được cải thiện, bà con phấn khởi, hăng hái tham gia lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; góp phần củng cố an ninh trật tự, an toàn xã hội.