Vẫn còn đó là Ngọc Tụ nhiều gian khó, nhưng qua chuyến công tác đầu tháng 9 vừa qua, được cùng Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Thuận đi thăm những mô hình, những cách làm mới của đồng bào DTTS nơi đây, trong tôi đã có niềm tin về sự khởi sắc trên vùng đất này.
Hầu như ở bất cứ xã nào thuộc các huyện miền núi, 3 tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới là thu nhập, hộ nghèo và nhà ở. Ba tiêu chí này quan hệ mật thiết với nhau, nếu bà con có thu nhập tốt, đời sống người dân sẽ cải thiện và nâng cao, cái nghèo sẽ không còn đeo bám, nhà cửa sẽ được sửa chữa, xây dựng khang trang…
“Đó là trên lý thuyết, còn thực hành là một hành trình dài gian nan tại một xã có hơn 98% dân số là đồng bào DTTS, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, đưa ra những cách làm mới, những mô hình phù hợp cùng sự đồng lòng của người dân để đạt được kết quả tốt nhất”, Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Thuận trăn trở.
Xác định “thu nhập” là tiêu chí quan trọng, khi triển khai Cuộc vận động, Đảng ủy, chính quyền xã Ngọc Tụ đã lựa chọn những cách làm, mô hình gần gũi với bà con DTTS, để bà con dễ dàng thực hiện.
Lúa là cây trồng truyền thống của người dân nơi đây từ bao đời, để việc trồng lúa đạt được năng suất cao hơn trên cùng một diện tích, xã Ngọc Tụ đã xây dựng mô hình lúa Đài thơm 8 tại thôn Kon Pring và thôn Đăk Chờ với diện tích 6 ha/69 hộ đồng bào DTTS tham gia, trong đó có 3 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo với tổng kinh phí đầu tư hơn 84 triệu đồng.
Để mô hình trồng lúa của người dân đạt hiệu quả, xã đã phân công Hội Nông dân xã phụ trách mô hình trồng lúa tại thôn Kon Pring, còn Hội Cựu chiến binh hỗ trợ bà con tại thôn Đăk Chờ.
Bên cạnh việc chú trọng tăng năng suất cây trồng truyền thống, xã Ngọc Tụ còn vận động bà con chuyển đổi những diện tích cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây công nghiệp lâu năm, trong đó chú trọng phát triển cây mắc ca. Chính vì thế, từ nguồn vốn 150 triệu đồng của huyện, xã đã triển khai mô hình trồng cây mắc ca ở thôn Kon Pring (mô hình điểm của huyện) và thôn Đăk Tăng (mô hình điểm của xã) với tổng diện tích 8 ha.
Là loại cây trồng mới, nên việc lựa chọn giống cây được xã rất chú trọng. Xã đã cắt cử cán bộ chuyên môn, đi tham quan, tìm hiểu các mô hình trồng cây mắc ca của đơn vị cung ứng giống, sau đó phối hợp với đơn vị này tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ thuật cho tất cả các hộ tham gia mô hình.
“Xã triệu tập tất cả bà con tham gia mô hình trồng cây mắc ca rồi lựa chọn ra 1 hộ nghèo là đồng bào DTTS, sau đó sẽ thực hành trồng cho tất cả bà con xem và rút kinh nghiệm. Khi bà con tiến hành trồng tại nhà, xã phân công cán bộ phụ trách thôn kiểm tra, hướng dẫn người dân để cây trồng đạt tỷ lệ sống cao”, anh Phạm Ngọc Thuận cho biết thêm.
Về chăn nuôi, trong năm 2022, từ nguồn vốn vay “Hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế” gần 100 triệu đồng, xã đã lựa chọn ra 5 hộ nghèo đồng bào DTTS để hỗ trợ tham gia mô hình nuôi “Bò sinh sản”. Để tham gia mô hình, các gia đình phải xây dựng chuồng trại có khung rào, láng nền xi măng, lợp tôn đồng thời phải trồng cỏ voi để bảo đảm nguồn thức ăn vào những ngày mưa, rét.
Anh A Thiếu (25 tuổi) ở thôn Đăk Tông cho biết: Vợ chồng tôi còn trẻ, ra ở riêng, chưa có vốn làm ăn. Biết tin được xã tạo điều kiện cho vay vốn nuôi bò với điều kiện phải làm chuồng và trồng cỏ nên tôi đã nhanh chóng triển khai. Tận dụng nguyên vật liệu cũ, mua thêm 2 bao xi măng rồi tự tay tôi làm chuồng. Sau đó tận dụng đất trống xung quanh nhà, xin giống cỏ voi của các hộ trong làng về trồng. Con bò sẽ là cơ hội để gia đình có thể thoát nghèo trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND xã Phạm Ngọc Thuận cho biết: Để các mô hình đạt hiệu quả, xã phân công đảng viên, cán bộ phụ trách thôn thường xuyên đến kiểm tra, báo cáo tình hình về xã, để khi gặp các tình huống xấu sẽ nhanh chóng có giải pháp xử lý. Cùng với đó, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục phát huy những cách làm đạt hiệu quả và tiếp tục đưa ra nhiều mô hình mới, cách làm hay để giúp bà con tăng thêm thu nhập, kinh tế cải thiện, đời sống được nâng cao, từ đó góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.