Thay đổi đáng kể nhất của người dân Đăk Nhoong là trong tư duy sản xuất và đời sống, sinh hoạt theo hướng tiến bộ, văn minh. Bà con nơi đây đã biết trồng cây gì, nuôi con gì cho giá trị kinh tế cao; biết áp dụng khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; biết chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để tái đầu tư sản xuất; biết cách ăn ở hợp vệ sinh, nhà cửa sạch sẽ; loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế sa đà vào các tệ nạn xã hội; quan tâm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc...
Làng Đăk Ga hôm nay đã có sự thay đổi khá rõ nét về diện mạo kinh tế - xã hội, đó là kết quả của sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của cả một cộng đồng. Hay nói cách khác, mọi sự bắt đầu từ “cuộc cách mạng trong tư duy nhận thức và hành động” của người dân.
Con đường dẫn vào làng Đăk Ga được đầu tư xây dựng thoáng đãng, sạch sẽ, hai bên đường là nhà dân với vườn cây trái xanh mát. Cây ăn quả được người dân trồng khắp nơi, vừa làm bóng mát cho nhà ở, vừa có trái cây sử dụng quanh năm. Nhiều gia đình có vườn rau xanh, chuồng trại chăn nuôi cách xa nhà ở. 100% nhà ở của người dân Đăk Ga đều được cứng hóa, có nhà xây bê tông xi măng, có nhà thưng gỗ chắc chắn, có cái lợp tôn, có cái lợp ngói. Vài con đường nhỏ chạy vòng quanh trong làng, nối nhà này với nhà kia được bê tông hóa.
Dẫn tôi đi vào khu sản xuất, trò chuyện với tôi, ông A Cu - Trưởng thôn Đăk Ga chia sẻ: Mấy năm gần đây, đời sống của bà con trong làng khấm khá hơn trước. Bà con đã biết áp dụng KH-KT vào sản xuất nên năng suất tăng, thu nhập cao hơn trước. Người dân canh tác 16ha lúa nước, phần lớn diện tích đất sản xuất trồng mì, bời lời, cà phê; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hầu hết các gia đình trong làng đều có nhà cửa khang trang, có xe máy, ti vi và các đồ dùng sinh hoạt cần thiết. Hiện nay, làng chỉ còn 7 hộ nghèo.
Tôi đến làng Róoc Mẹt, ở đây quang cảnh thật tươi đẹp, yên ả và thanh bình. Ngôi nhà rông truyền thống của người Gié Triêng đứng hiên ngang giữa làng. Nhìn ra xung quanh, tôi thấy có vài ngôi nhà trông như một biệt thự hoành tráng, rộng rãi.
Bà Y Thu, một phụ nữ trung niên, vui vẻ tâm sự với tôi rằng, những năm qua, bà con nơi đây có nhiều thay đổi trong “nếp nghĩ, cách làm”. Gia đình nào cũng chăm lo làm ăn, chi tiêu có kế hoạch, ít sa đà vào chuyện rượu chè bê tha như trước. Thôn trưởng, già làng đi từng nhà để vận động bà con tham gia các phong trào thi đua sản xuất, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Đường làng được bê tông hóa 100%, nhà cửa khang trang, sạch đẹp, làng được công nhận “Làng văn hóa kiểu mẫu” nhiều năm liền của huyện Đăk Glei.
Ông A Nhập - Chủ tịch UBND xã Đăk Nhoong cho biết, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thời gian qua, cả hệ thống chính trị cơ sở ở xã Đăk Nhoong cùng vào cuộc, tích cực tuyên truyền vận động người dân; phân công cán bộ, đảng viên phụ trách hộ và nhóm hộ, thường xuyên bám sát dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ đó, người dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất; trong đó chú trọng một số cây trồng chủ lực như bời lời, cà phê, mì cao sản, lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Trên địa bàn xã Đăk Nhoong có 14 công trình thủy lợi và một số đập tạm, đập nổi do dân tự làm, cơ bản đủ nước tưới trên 500ha cây hàng năm và 328ha cây lâu năm; trong đó diện tích trồng lúa nước là 224 ha, lúa rẫy 40 ha, 250 ha trồng mì, cây bời lời 172 ha, cây cà phê gần 30 ha... Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được người dân chú trọng, đến nay, toàn xã có trên 900 con trâu, hơn 800 con bò, trên 500 con heo và đàn gia cầm trên 3.000 con.
Ngoài ra, 4 cộng đồng làng và 18 nhóm hộ đảm nhận việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc 7.290ha rừng, được quyền khai thác các sản phẩm phụ dưới tán rừng, góp phần tăng thu nhập cho hộ gia đình, với tổng số tiền nhận được do Nhà nước chi trả trong 6 tháng đầu năm 2021 trên 5,134 tỷ đồng…
Nhờ sớm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm nên hiện nay, hầu hết các hộ dân ở xã biên giới Đăk Nhoong có cuộc sống ổn định. Số hộ nghèo giảm còn 9,85% tổng số hộ; 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường; 100% hộ có điện sử dụng; tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 98%.../.