Với trên 75 ha rừng trồng, gia đình anh Lê Mai Hiền ở thôn Tân Phong, xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, là một trong những hộ có diện tích rừng trồng lớn nhất xã. Năm 2016, anh Hiền tham gia dự án trồng rừng gỗ lớn theo Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (gọi tắt là FFF), do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tài trợ giai đoạn I, tại tỉnh Yên Bái, với diện tích 5 ha. Thông qua chương trình hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, đã giúp anh Hiền có cách nhìn mới về sản xuất lâm nghiệp bền vững, góp phần nâng cao thu nhập.
“Trước đây, gỗ rừng trồng đa số tiêu thụ trên thị trường tự do, tự sản, tự tiêu. Từ khi tham gia chương trình FFF, được tập huấn về trồng rừng gỗ lớn, tôi và bà con trong xã đã hướng đến trồng những cây gỗ có chu kỳ dài, năng suất cao, giá trị kinh tế lớn, để có nguồn thu nhập lâu dài và ổn định…”, anh Hiền cho biết thêm.
Xã Tân Nguyên có trên 2.600 ha diện tích rừng. Để khai thác tiềm năng thế mạnh này, xã xác định phát triển kinh tế rừng, là một trong những khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Vũ Đức Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nguyên cho biết: Thời gian đầu triển khai chương trình FFF, xã mới chỉ có 2 hộ dân tham gia; đến nay, nhận thấy hiệu quả của mô hình đã có 10 hộ dân áp dụng mô hình trồng rừng này.
“Mức hỗ trợ của chương trình là 2 triệu đồng/ha rừng, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thêm thu nhập cho các hộ tham gia. Quan trọng hơn, việc tham gia dự án đã giúp cho người dân thay đổi tư duy, cách làm kinh tế rừng, bằng cách tận dụng phát triển chăn nuôi dưới tán rừng. Nhờ đó, người dân có thu nhập ổn định, thường xuyên trong khi rừng đang phát triển chưa cho khai thác”, ông Đoàn phân tích.
Thống kê cho thấy, với sự tài trợ của Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại của FAO, trong giai đoạn I, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã cấp chứng chỉ sản xuất bền vững cho 1.750 ha rừng; phát triển 500 ha quế hữu cơ, và xây dựng được một số xưởng chế biến các sản phẩm từ rừng đạt tiêu chuẩn, bảo đảm đầu ra cho nông dân.
Trong gia đoạn II của chương trình, Ban Quản lý Chương trình FFF tỉnh và Hội Nông dân tỉnh Yên Bái, đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án tại 4 xã của 2 huyện Trấn Yên và Yên Bình. Hỗ trợ các nhóm hộ phát triển mô hình sinh kế; tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, thu hái và sơ chế dược liệu, khai thác bảo quản mật ong, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xây dựng mô hình sinh kế dưới tán rừng, xây dựng chứng nhận sản phẩm OCOP.
Ông Hoàng Xuân Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, Phó Ban Quản lý Chương trình FFF II tỉnh Yên Bái khẳng định, mô hình nông nghiệp hữu cơ, trồng rừng gỗ lớn đã mang lại hiệu quả rất tốt cho bà con nông dân. Từ những hội viên Hội Nông dân, thành viên tổ hợp tác, hợp tác xã, với những cách làm hay, sáng tạo đã lan tỏa đến với bà con chưa vào tổ hợp tác, hợp tác xã. Người dân đã thấy được nhiều lợi ích, không chỉ lợi ích kinh tế, mà cả lợi ích về sức khỏe nên ngày càng có nhiều người đồng hành, muốn tham gia vào chương trình. Đây chính là sự lan tỏa mà chương trình FFF hướng đến.
Bước sang giai đoạn II, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động tác động đến các thành viên từ tổ hợp tác, hợp tác xã và những người trồng rừng. Thông qua các hoạt động, tập trung thúc đẩy người trồng rừng có sự tham gia của cấp hội phụ nữ, đoàn thanh niên cũng như là phát triển rừng thích nghi với biến đổi khí hậu và khai thác các giá trị văn hóa bản địa.
"Hiện nay, kết quả đạt được là các chuỗi sản phẩm khai thác những giá trị dưới tán rừng như mật ong, lá khôi nhung đang được xây dựng thương hiệu để cấp chứng chỉ OCOP và đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, thu nhập của người dân từ rừng được nâng cao rõ rệt so với trước đây”, ông Long thông tin thêm.
Với sự hỗ trợ của chương trình FFF đã tạo sự thay đổi rõ rệt về nhận thức của người dân trong sản xuất nông lâm nghiệp so với trước đây. Từ trồng rừng theo hướng tự sản, tự tiêu, đến nay bà con đã từng bước chuyển sang trồng rừng theo chuỗi giá trị. Đây là cơ sở để Yên Bái hướng đến phát triển rừng bền vững đa lợi ích, mở rộng thị trường nâng cao thu nhập cho người dân trồng rừng.