Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, với 7 cơ chế thí điểm được đề xuất. Dự thảo khi được thông qua sẽ góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025, đáp ứng mong mỏi của hơn 14,7 triệu đồng bào DTTS và miền núi cũng như cử tri cả nước.
Theo quy định hiện hành, Trung ương phân bổ dự toán chi thường xuyên cho các địa phương thực hiện từng Chương trình MTQG chi tiết đến từng lĩnh vực chi sự nghiệp. Tuy nhiên, việc giao chi tiết này không tạo được sự chủ động, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm của địa phương, là một trong những nguyên nhân chính khiến việc giải ngân vốn sự nghiệp rất chậm.
Tăng cường phân cấp
Ngày 31/10/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có Công văn hỏa tốc số 9045/BKHĐT-TCTT gửi các bên liên quan về việc lấy ý kiến đối với Hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG (gọi tắt là Dự thảo Nghị quyết). Hồ sơ kèm theo dự thảo các cơ chế thí điểm nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đáng chú ý là nội dung đề xuất cơ chế giao dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách Trung ương hằng năm cho các địa phương.
Trong Dự thảo Nghị quyết, Bộ KH&ĐT cho biết, theo quy định hiện hành (gần đây nhất là Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về phân bổ dự toán ngân sách Trung ương năm 2023), Quốc hội quyết nghị phân bổ dự toán chi thường xuyên thực hiện từng Chương trình MTQG chi tiết đến từng lĩnh vực chi sự nghiệp. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm cho các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương thực hiện từng Chương trình MTQG chi tiết chi thường xuyên theo dự án thành phần, lĩnh vực chi sự nghiệp.
“Việc giao chi tiết chi thường xuyên góp phần quản lý việc phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng lĩnh vực chi đã được Quốc hội thông qua”, Bộ KH&ĐT đánh giá.
Tuy nhiên, theo Bộ KH&ĐT, việc giao chi tiết này không tạo được sự chủ động, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong phân bổ, sử dụng nguồn lực theo điều kiện thực tiễn tại địa phương. Các địa phương không chủ động, linh hoạt điều chỉnh từ nội dung chi không còn đối tượng chi, không có khả năng giải ngân được vốn để tập trung vốn cho những nội dung có đối tượng; hoặc các dự án đang có hiệu quả cao nhưng thiếu nguồn lực.
“Điều này là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả giải ngân vốn sự nghiệp của 03 Chương trình MTQG trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 15%”, Bộ KH&ĐT khẳng định.
Để tháo gỡ vướng mắc này, trong Dự thảo Nghị quyết đề xuất cơ chế Quốc hội quyết nghị dự toán tổng kinh phí của từng Chương trình MTQG, không phân bổ chi tiết đến từng lĩnh vực chi sự nghiệp; trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước hằng năm và danh mục các dự án thành phần từng Chương trình MTQG cho các địa phương thực hiện, không giao chi tiết kinh phí sự nghiệp của từng dự án thành phần. HĐND cấp tỉnh quyết định phân bổ dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách nhà nước hằng năm của từng Chương trình MTQG chi tiết đến từng dự án thành phần và lĩnh vực chi.
Kịp thời hướng dẫn
Trong Dự thảo Nghị quyết, Bộ KH&ĐT đánh giá, việc Quốc hội quyết định phân bổ, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi thường xuyên nguồn ngân sách Trung ương hằng năm cho các địa phương, theo tổng số từng chương trình và phân cấp cho cấp tỉnh quyết định phân bổ, giao dự toán chi tiết đến từng dự án thành phần và lĩnh vực chi, là cơ chế đã có tiền lệ áp dụng trong các giai đoạn trước. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế này trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, theo Nghị quyết số 25/2021 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.
“Qua ghi nhận báo cáo của các địa phương, cơ chế giao này đã tạo sự chủ động cho địa phương trong phân bổ, sử dụng và lồng ghép các nguồn lực trong thực hiện các chương trình”, Bộ KH&ĐT khẳng định.
Vì lẽ đó, theo Bộ KH&ĐT, nếu áp dụng cơ chế này cho cả 02 Chương trình MTQG còn lại (giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi) sẽ góp phần kịp thời tháo gỡ, khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn sự nghiệp như trong 9 tháng đầu năm 2023.
Đồng thời, việc phân cấp cho cấp tỉnh giao dự toán chi tiết, cũng là giải pháp để các địa phương thực hiện lồng ghép vốn theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 25/2021 ngày 28/7/2021, từ đó hạn chế tình trạng dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn sự nghiệp của các Chương trình MTQG.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng lưu ý, trong các Quyết định phê duyệt Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ, mức bố trí kinh phí sư nghiệp chi tiết theo từng dự án thành phần.
Do đó, nếu Trung ương giao tổng số, địa phương quyết định chi tiết việc phân bổ, sử dụng vốn từ ngân sách Trung ương có thể ảnh hưởng tới việc theo dõi, giám sát kết quả thực hiện các dự án thành phần của các cơ quan Trung ương được giao chủ trì, ảnh hưởng đến việc bảo đảm kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của một số dự án thành phần của các Chương trình MTQG.
“Để khắc phục tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu, danh mục nhiệm vụ để định hướng việc thực hiện tại các địa phương. Các cơ quan chủ quản các chương trình, chủ dự án thành phần cũng phải kịp thời ban hành văn bản để hướng dẫn các địa phương thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của từng dự án thành phần”, Dự thảo Nghị quyết đề xuất giải pháp.
Cùng với đề xuất gỡ vướng phân bổ dự toán chi thường xuyên, Dự thảo Nghị quyết cũng kiến nghị Quốc hội điều chỉnh cơ chế giao cấp tỉnh quy định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ sản xuất trong các Chương trình MTQG, nhất là trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Bởi trong quá trình triển khai, do lần đầu thực hiện nên các địa phương rất lúng túng với mẫu của Trung ương ban hành, làm chậm tiến độ thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, ảnh hưởng đến mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.