Qua theo dõi nội dung kỳ họp những ngày vừa qua, nhiều cử tri vùng đồng bào DTTS và miền núi, các vị chức sắc tôn giáo rất phấn khởi trước sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước năm 2022 và mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục có những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Báo Dân tộc và Phát triển lược ghi một số ý kiến của các cử tri.
Đại đức Danh Dung - Trụ trì chùa Đồng Tranh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang: Ủy ban Dân tộc đã nói lên tiếng nói của bà con vùng đồng bào DTTS
Những ngày qua tôi thường xuyên theo dõi về Kỳ họp của Quốc hội; trong đó, tôi thấy tâm đắc nhất là phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Bộ trưởng đã đề xuất kéo dài thời gian được hưởng 12 chính sách đối với các đối tượng thuộc hơn 400 xã và gần 7.000 thôn đã đưa ra khỏi danh sách địa bàn ĐBKK năm 2020, nhưng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 hơn 2 năm qua mà những địa phương này trước đã thoát nghèo nay lại gặp khó khăn và Chính phủ đã đồng ý với đề xuất này. Đây là một tin vui, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer chúng tôi.
Nhìn lại cuộc sống của bà con, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư xây dựng hạ tầng như đường, trường, kênh thủy lợi, hỗ trợ người dân cây con giống, tiếp cận nguồn vốn… Nhờ đó, đời sống của người dân, nhất là ở khu vực tập trung đồng bào Khmer ổn định, sung túc hơn. Nhưng do dịch bệnh, việc làm ăn, phát triển kinh tế của bà con đều bị ngưng trệ. Giờ dịch bệnh ổn rồi, nhiều người vốn liếng thì không còn đủ để tái sản xuất, giá xăng dầu có lúc lên quá cao nên bà con gặp nhiều khó khăn.
“Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc đã nói lên tiếng nói của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chính phủ đã chấp thuận, chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện tiếp các chính sách ưu đãi, như vậy là một điều đáng quý. Với các chính sách này, sẽ là nguồn lực quan trọng để bà con từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp sức với địa phương xây dựng quê hương giàu đẹp trong thời gian tới”.
Ông Nguyễn Tuấn Lợi - cử tri xã Vạn Hòa, Tp. Lào Cai, tỉnh Lào Cai: Giáo dục vùng cao đã có sự phát triển mạnh mẽ
Bản thân tôi đã từng công tác trong ngành Giáo dục và dạy học ở những điểm trường vùng sâu, vùng xa từ những năm 1970. Có thể nói, giáo dục vùng cao hiện nay đã có sự chuyển biến tích cực, khác xa với thời chúng tôi còn công tác.
Để có được kết quả này, trước hết phải khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Sự quan tâm này được thể thể hiện thông qua hệ thống các cơ chế, chính sách về giáo dục. Ví dụ như Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; Chương trình xây dựng nông thôn mới… Bằng các chế độ, chính sách cụ thể này đã hình thành hệ thống giáo dục khá hoàn chỉnh. Nếu như trước đây ở Lào Cai, nhiều xã chưa có trường tiểu học, thì đến nay 100% xã đã có hệ thống các trường từ mầm non, tiểu học, THCS; các cụm khu vực thì có trường THPT. Hệ thống trường lớp được xây dựng kiên cố, bảo đảm cho con em đồng bào các dân tộc được học tập trong môi trường an toàn, tiến bộ.
Từ sự phát triển này, đã tạo ra nguồn lực quan trọng, tỷ lệ học sinh ra lớp cao, học sinh được đi học tiếp bậc THCS, THPT, thi vào các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học tăng dần qua từng năm. Qua đó, góp phần tạo nguồn cán bộ cấp xã, cấp huyện không ngừng nâng cao về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai không còn cán bộ xã không biết chữ, rất ít cán bộ trình độ trung cấp mà tối thiểu đều đạt từ cao đẳng trở lên, thậm chí sau đại học.
Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy phát triển giáo dục ở khu vực vùng sâu, vùng xa, tôi nghĩ Đảng và Nhà nước, cần xây dựng hệ thống pháp luật hoàn chỉnh về giáo dục. Cùng với đó, có thêm các chính sách đặc thù về giáo dục dành cho đồng bào các dân tộc miền núi; có như vậy, giáo dục vùng cao mới từng bước tiệm cận về mọi mặt so với giáo dục vùng thấp.
Bà H’Uyên Niê - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai: Tiếp tục quan tâm xây dựng khối Đại đoàn kết các dân tộc
Tôi luôn tin tưởng và mong muốn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, sẽ phát huy cao độ trí tuệ và tinh thần đoàn kết, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, với mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con, nhất là đồng bào các DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, cũng như chuyển tải những ý kiến của cử tri đến với Quốc hội.
Đối với đồng bào Gia Rai ở huyện Chư Păh, chúng tôi mong muốn, Đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, ủng hộ, tham gia công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Đặc biệt, tiếp tục quan tâm xây dựng khối Đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững mạnh; thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các địa bàn, lĩnh vực.
Cần huy động được sự tham gia tích cực của đồng bào các DTTS tham gia vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; đấu tranh với các hoạt động lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc tuyên truyền xuyên tạc, chống Đảng, Nhà nước; kích động chia rẽ khối Đại đoàn kết toàn dân tộc… Từ đó, tạo điều kiện để người dân an tâm phát triển sản xuất, chung tay góp sức vì sự bình yên của buôn làng.
Anh Lỷ Văn Thắng - thôn Tán Trúc Tùng, xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh: Cần có thêm các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm, sinh kế
Xã Quảng An, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương miền núi, có nhiều lợi thế về tiềm năng đất đai, tài nguyên, sản phẩm nông nghiệp đặc sản, cây dược liệu, kinh tế lâm nghiệp cũng như tiềm năng du lịch… Tuy nhiên, việc khởi nghiệp của người dân ở địa phương, nhất là thanh niên, vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn, về kỹ năng quản trị, tiếp cận thông tin… Bà con nơi đây kinh tế vẫn còn nghèo, lao động sản xuất vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên.
Cá nhân tôi cũng như nhiều người dân trong thôn mong muốn, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục đưa ra nhiều cơ chế, chính sách trong việc phát triển kinh tế ở vùng sâu, vùng xa; đặc biệt là các chính sách về khởi nghiệp, tạo việc làm, sinh kế.
Chúng tôi mong muốn sớm được hỗ trợ nguồn lực, kết nối thông tin để đẩy mạnh khởi nghiệp vùng DTTS; hỗ trợ đưa ra các giải pháp sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là thanh niên DTTS vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Ông Lương Xuân Thuyết - bản Mà, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An: Cần có chính sách hợp lý để bảo tồn và gìn giữ văn hóa các dân tộc
Thực tế hiện nay tôi thấy, văn hóa dân tộc, nhất là vùng DTTS đang đứng trước nguy cơ bị xâm lấn mạnh mẽ của văn hóa ngoại lai, của xu hướng và lối sống hiện đại. Ở nhiều nơi, văn hóa dân tộc của đồng bào bị phai nhạt rất đáng lo, đặc biệt là trong thế hệ trẻ hiện nay. Ngay như ở bản Mà chúng tôi, thế hệ trẻ nhiều cháu không am hiểu văn hóa Thái, không hiểu đầy đủ về các nhạc cụ dân tộc, các bài hát của người Thái cũng rất ít biết… đó là nỗi băn khoăn, trăn trở của chúng tôi.
Nhân kỳ họp Quốc hội lần này, là một cử tri, tôi mong muốn Đảng và Nhà nước có những chính sách phù hợp, có nguồn lực đầu tư để gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa của người DTTS nói chung, của người Thái nói riêng.
Trước hết, đó là hỗ trợ hợp lý cho các nghệ nhân để họ có thêm điều kiện, động lực bảo tồn những nét văn hóa truyền thống của đồng bào. Thêm nữa, phải làm sao để ngành Giáo dục chỉ đạo các trường giảng dạy văn hóa dân tộc thông qua các tiết học như: Giảng dạy chữ viết, hát các làn điệu dân ca, các nhạc cụ, các điệu múa…