Sửa đổi nhiều điều khoản Luật Đất đai năm 2013
Theo Tờ trình của Chỉnh phủ, Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của Công dân đối với đất đai; hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất; bổ sung hoàn thiện các quy định về nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng; đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, địa phương và phù hợp với tiềm năng đất đai nhằm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Dự thảo Luật đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 86) và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát; đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất; quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất…
Để khắc phục sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các luật có liên quan đến đất đai, dự thảo Luật đã bổ sung một điều (Điều 4) để làm rõ phạm vi quy định của Luật Đất đai với các Luật khác có liên quan.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai; dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tương thích với điều ước quốc tế. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động cụ thể hơn đối với nội dung này, trường hợp cần thiết đề nghị xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi quy định cụ thể trong dự thảo Luật.
Việc sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền là cần thiết trong bối cảnh hiện nay
Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền với lý do như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Góp ý về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), một số đại biểu quan tâm đến các vấn đề như: giao dịch bằng loại tiền ảo qua hình thức online; kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản; rà soát kỹ các điều khoản về giải thích từ ngữ và một số nội dung để đảm bảo tự tường minh, khả thi; khi sửa đổi các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cần đánh giá tới mức độ thực tiễn về tính khả thi; quy định về pháp nhân để đảm bảo thống nhất với Bộ Luật dân sự năm 2015…
Tiếp đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận. Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giải trình với các đại biểu 3 nhóm vấn đề chính liên quan đến: các nội dung giao Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn; các đối tượng chủ thể báo cáo và tính khả thi trong việc quy định đối với các chủ thể đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính và phi tài chính; các dấu hiệu đáng ngờ và báo cáo giao dịch đáng ngờ.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đã có 22 ý kiến phát biểu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan, nghiên cứu các ý kiến phát biểu, tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật, trình Quốc hội xem xét thông qua.