Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sáng ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả phát triển KT-XH năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị phát biểu về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ được các đại biểu Quốc hội nêu.
Tại phiên họp này, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề chính như: Giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo; thiếu thuốc, thiếu thiết bị y tế; bảo hiểm y tế; đẩy nhanh tiến độ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; kiểm soát lạm phát, điều hành tỷ giá, lãi suất…
Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang): Đề nghị kéo dài thời gian thực hiện vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Đại biểu Lý Thị Lan bày tỏ đồng tình cao với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về kết quả phát triển KT-XH năm 2022 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia sang năm 2023. Đồng thời cũng đề nghị không vì việc kéo dài này mà giảm đi số vốn của 3 Chương trình mục tiêu năm 2023 cho các địa phương để bảo đảm đúng tiến độ mục tiêu của 3 chương trình.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên): Giải quyết khó khăn trong thực hiện chính sách về y tế tại vùng đồng bào DTTS và miền núi
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đoàn Thị Hảo cho biết, hiện có khoảng 3,1 triệu người không còn được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế do không còn ở trong địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn. Điều đó cho thấy, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế chưa đồng đều, chưa hướng đến được những đối tượng cần đùm bọc, sẻ chia.
Tiếp xúc cử tri và qua giám sát của Ủy ban Xã hội, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ, ngành có liên quan cần tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, xác định rõ những vướng mắc, bất cập, kịp thời bổ sung sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý để thống nhất thực hiện trên cả nước; cần thực hiện thanh quyết toán dứt điểm số tiền phát sinh trước năm 2021.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ để xuất giải pháp cụ thể, sớm giải quyết các vướng mắc khó khăn trong thực hiện chính sách tại các địa phương nay không còn là các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tại phiên họp này, các đại biểu đã được nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu giải trình một số nội dung về: Ảnh hưởng của Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 612 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; giải ngân đầu tư công và Chương trình mục tiêu quốc gia. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, trong sáng nay đã có 19 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận, hiện còn 69 đại biểu đăng ký nhưng chưa phát biểu. Chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ phát biểu về các vấn đề các đại biểu đã nêu.