Quốc hội dành 2 ngày (27, 28/10) thảo luận về 3 nội dung: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Sau đó, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán NSNN, kế hoạch đầu tư công vốn NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm; Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu bày tỏ đồng tình với nội dung Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH hội năm 2023. Các đại biểu nhận định năm 2022, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển KT-XH.
Đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai): Ưu tiên phát triển KT-XH vùng đồng bào dân DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo đại biểu, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid 19 đã tác động tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển KT-XH, làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội của tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt, đa phần các đối tượng các xã bị tác động bởi Quyết định số 861 đều là đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chính sách đã ban hành để bảo đảm an sinh xã hội và khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang đang thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn các xã đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn do đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 861, đặc biệt là các xã có tỷ lệ của người đồng bào DTTS sinh sống đến hết giai đoạn 2021 - 2025.
Đối với việc phát triển thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Chính phủ giao vốn sự nghiệp cả giai đoạn để các địa phương chủ động. Đồng thời đề nghị Quốc hội nghiên cứu cho phép thực hiện cơ chế riêng đặc thù về việc bố trí vốn sự nghiệp thủ tục đầu tư, giải ngân, chuyển nguồn đối với chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng không thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật Đầu tư công. Do đây là chương trình có ý nghĩa chính trị to lớn, cũng như có rất nhiều yếu tố về đặc thù với số lượng cơ quan chủ quản yêu cầu lồng ghép nguồn vốn, đối tượng và các địa bàn triển khai.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn): Quan tâm đến vấn đề hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS
Từ mong mỏi của cử tri, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân tiếp tục kiến nghị Chính phủ các giải pháp:
Một là chỉ đạo thực hiện rà soát kỹ lưỡng, chính xác, có đánh giá chi tiết, cụ thể để thấy được người dân khu vực III, khu vực II giờ là khu vực I có cuộc sống đã thật sự hết nghèo, hết khó chưa? Nhà nước không cần hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế, người dân có thể tự đóng bảo hiểm y tế, tự chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho một lượt khám ngoại trú là 500.000 đồng; cho một lượt nội trú là 4 triệu đồng hay không?
Hai là yêu cầu Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS đã được Thủ tướng kết luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022.
Đại biểu Hoàng Thị Đôi (Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La): Đẩy nhanh tiến độ giải ngân 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia
Theo đại biểu Hoàng Thị Đôi, đồng bào cử tri và Nhân dân, nhất là đồng bào vùng DTTS và miền núi rất vui mừng, rất kỳ vọng về 3 chương trình mục tiêu Quốc gia được ban hành. Tuy nhiên, hiện nay 3 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai rất chậm. Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển của 3 chương trình đến hết tháng 9/2022 ở mức rất thấp, chiếm 2,86%. Đến nay, vẫn còn thiếu nhiều văn bản của Bộ, ngành để hướng dẫn địa phương thực hiện.
Việc chậm ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn và chậm phân bổ vốn cho Chương trình đã tác động đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu hỗ trợ hộ nghèo, người yếu thế, vùng đồng bào DTTS và miền núi và mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Đại biểu đề nghị đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm ban hành đồng bộ các văn bản phân bổ vốn kịp thời, đầy đủ để triển khai thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu Quốc gia; nghiên cứu, tổ chức đánh giá và sớm có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập ở địa phương khi triển khai áp dụng thực hiện Quyết định số 861 và Quyết định 612.
Kết luận phiên thảo luận ngày 27/10, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 42 đại biểu phát biểu, 7 đại biểu tranh luận, 3 Bộ trưởng đã tham gia trao đổi các vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong phiên họp ngày mai (28/10), các đại biểu Quốc hội phát biểu thêm về các vấn đề còn ít ý kiến tham gia.
Các Bộ trưởng: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc chuẩn bị phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu.