Dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi chỉnh lý có 12 Chương và 121 Điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung đầy đủ nội dung theo tên các chương, mục của dự thảo Luật và bỏ Khoản 2 Điều 1 quy định về nội dung Luật không điều chỉnh.
Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) của Ủy ban Xã hội nhận xét cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về khám bệnh, chữa bệnh.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); dự thảo Luật lần này đã tiếp thu nghiêm túc và đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội qua các lần thảo luận để hoàn thiện các nội dung và trình ra Kỳ họp lần này. Một số đại biểu đã đề xuất Luật này cần bổ sung một số vấn đề như: Cần quan tâm đến trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng; Làm rõ mối quan hệ giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân; Cần bổ sung quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập trong luật; Cần có quy định tự chủ ở bệnh viện công trong Dự thảo luật…
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: cần bổ sung thêm quy định chính sách của Nhà nước về đào tạo nhân lực.
Phát biểu góp ý tại phiên thảo luận, Đại biểu Vương Thị Hương cho biết, trước thực trạng thiếu nhân lực y tế nói chung và nhân lực có trình độ ở tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là đối với vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm quy định chính sách của Nhà nước về đào tạo nhân lực có trình độ tại các vùng này.
Cụ thể tại Điểm c, Khoản 1, Điều 4 đề nghị bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhân lực thuộc các lĩnh vực truyền nhiễm, tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, hồi sức cấp cứu và các chuyên ngành, lĩnh vực khác phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế- xã hội theo từng địa phương.
Đại biểu Khang Thị Mào – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái: Cần làm rõ khái niệm xã hội hóa trong hoạt động khám chữa bệnh
Góp ý về nội dung quy định quyền cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Khang Thị Mào cho rằng về xã hội hóa, hiện nay có rất nhiều vướng mắc là thực hiện xã hội hóa nguyên nhân dẫn đến nhiều sai phạm trong thực hiện. Trong khi dự thảo Luật chỉ có một điều quy định về vấn đề này là Điều 107.
Đại biểu cho rằng quy định như dự thảo Luật hiện nay không thể giải quyết những bất cập hiện nay. Đại biểu dẫn chứng như quy định về hình thức huy động xã hội hóa chịu sự chi phối của nhiều luật khác như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công…Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cần nghiên cứu quy định đầy đủ và rõ ràng hơn về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.
Phát biểu giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất quan trọng đối với dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi). Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo Luật này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình thấu đáo.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết sau một buổi làm việc tích cực, dân chủ, khẩn trương đã có 25 ý kiến đại biểu phát biểu và 3 ý kiến đại biểu tranh luận; trên tinh thần xây dựng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã phát biểu giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Các ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao nhất, đồng thời đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, cũng như tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.