Thiên đường vẫy gọi
Năm 1993, huyện đảo Lý Sơn được thành lập theo Quyết định số 337/HĐBT ngày 21/9/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số 2 xã Bình Vĩnh, Bình Yến thuộc huyện Bình Sơn, sau đó 2 xã này được đổi tên xã thành An Vĩnh, An Hải và thành lập thêm một xã An Bình.
Lão Dương Kiên (75 tuổi) cười sảng khoái, tiếng cười như át đi tiếng gió biển ầm ào thổi trong nắng. Lão bảo, cả đời ở đất đảo này, lão đã chứng kiến sự đổi thay hằng ngày của người và đất, của cây hành, cây tỏi, của hang đá hay núi lửa, của rạn san hô hay từng cụm rong biển.
Trong trí nhớ của lão Dương Kiên ngày ấy, những con đường trên đảo đều lấm lem cát và vỏ ốc, vỏ sò, những mép sóng là từng tảng đá đủ hình thù vướng những cụm rong biển, trong những ngôi làng trên xứ đảo này chỉ lúp xúp mái tranh mái lá, nhà xây hay nhà mái ngói đếm chưa hết một bàn tay. Đêm xuống, vi vu trong gió biển là tiếng réo rắt của bàng vuông cùng tiếng thủ thỉ của biển, le lói những ánh đèn dầu trong bạt ngàn đêm. Đời sống người dân chỉ đủ ăn và khó có tích lũy vì chủ yếu mượn ngọn sóng để ra khơi đánh cá…
Giờ đây, Lý Sơn lại trở thành một điểm du lịch “Hot” của biển đảo miền Trung, được gọi là đảo ngọc của miền Trung, tương tự như Phú Quốc ở phương Nam. Một con số “giật mình” nhưng lại đầy ngưỡng mộ, đó là nếu so với 10 hay 20 năm trước khi Lý Sơn chưa bắt nhịp với du lịch, thì lượng du khách hằng năm 8.800 lượt khách (năm 2010) thì đến năm 2022 đã tăng lên 265.000 lượt khách, tăng gấp gần 27 lần.
Huyện đảo này đang được đầu tư xây dựng thành phố biển. Một thành phố biển đặc biệt giữa tiền tiêu Tổ quốc, một thành phố biển xinh đẹp giữa sóng bạc khơi xa.
Thành phố giữa trùng khơi
Hôm nghe tin trên đài báo, về việc Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045. Trong đó, định hướng phát triển Lý Sơn thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, khai thác và sử dụng bền vững không gian và tài nguyên biển phục vụ phát triển du lịch. Nhiều người như lão Kiên và hàng chục ngàn người dân đất đảo này biết tin ấy đã hy vọng lắm.
Hơn 30 năm từ khi được thành lập, đảo Lý Sơn đã bừng giấc. Điện ra đảo là nguồn năng lượng thúc đẩy mọi mặt đời sống. Trong 30 năm qua, kinh tế của huyện Lý Sơn có sự phát triển rõ nét, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2022 đạt 2.061 tỷ đồng, tăng gần 24 lần so với năm 1993. Thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 192 lần so với 30 năm trước, ước đạt 37,5 triệu đồng/người/năm. Đến nay có 7 tàu cao tốc phục vụ tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, 16 ca nô phục vụ tuyến đảo Lớn - đảo Bé, 4 cảng biển được đầu tư đi vào hoạt động. Hệ thống giao thông trên đảo được kết nối thông suốt với các điểm du lịch, cảng biển và đến tận đồng ruộng…
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, tuy ngành Du lịch tại đây có phát triển nhưng huyện đảo còn nhiều khó khăn. Với tiềm năng về du lịch, với hướng mở của các chính sách phát triển huyện đảo, cùng với đó là tiềm năng về phát triển kinh tế hằng năm, khát vọng của Lý Sơn là xây dựng huyện đảo trở thành đô thị biển văn minh, hiện đại. Để cụ thể hóa khát vọng này, Lý Sơn đang kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, có tiềm lực thực hiện quy hoạch bài bản, đầu tư hạ tầng dịch vụ chuyên nghiệp để người dân được hưởng lợi từ việc tham gia vào làm kinh tế…