“Hữu xạ tự nhiên hương”
Theo người dân trồng tỏi lâu năm trên đảo, kỹ thuật truyền thống và các giá thể bản địa mà thiên nhiên ban tặng cộng với khí hậu đặc trưng đã tạo nên danh tiếng tỏi Lý Sơn một cách tự nhiên, theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Vì thế, dù không qua khâu quảng bá, nhưng tỏi Lý Sơn vẫn được nhiều người biết đến.
Ông Nguyễn Văn Bé, một người dân có hơn 30 năm trồng tỏi trên đảo Lý Sơn chia sẻ: Từ xưa đến nay, người dân trên đảo chỉ lo trồng trồng tỏi, làm sao cho cây xanh tốt, thu được năng suất cao chứ không ai nghĩ đến chuyện quảng bá hay giới thiệu và cũng không hiểu vì sao tỏi trồng trên đảo lại có mùi vị đặc trưng không lẫn lộn với những nơi khác. “Chắc là do chất đất, khí hậu và có thể là cả những giọt mồ hôi của nông dân trên đảo mà tỏi Lý Sơn có sự khác biệt”, ông Bé nói.
Theo bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn, tỏi Lý Sơn được người tiêu dùng cả nước biết đến, bởi hương vị đặc trưng độc đáo: thơm dịu, cay dịu và có hàm lượng tinh dầu cao. Đặc điểm của tỏi vỏ màu trắng, tép tỏi nhỏ đều, chắc, Ngoài tỏi thường, còn có tỏi cô đơn Lý Sơn (chỉ có một tép duy nhất cỡ đầu ngón tay, hình tròn), là một sản phẩm có giá trị kinh tế cao, được hình thành do khuyết tật trong quá trình sinh trưởng của cây tỏi nên chất lượng thơm ngon hơn.
“Năm 2017, đặc sản tỏi Lý Sơn đã lọt vào danh sách “Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam” của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Là sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước, tỏi Lý Sơn đã có những đóng góp nhất định cho việc định vị địa danh Lý Sơn trên bản đồ du lịch Việt Nam”, bà Hương thông tin thêm.
Tỏi ở Lý Sơn chỉ trồng vào vụ Đông-Xuân với diện tích dao động từ 300 đến 350 ha/năm. Trước kia, người dân vẫn trồng tỏi theo phương thức canh tác truyền thống. Hiện nay, nông dân Lý Sơn còn mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đưa năng suất và sản lượng tăng đáng kể, bình quân hằng năm từ 1.500 đến 2.000 tấn.
Chính quyền huyện đảo Lý Sơn cũng khuyến khích nông dân tham gia xây dựng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Nhờ đó đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 95% diện tích đất sản xuất nông nghiệp áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm đã đem lại sản lượng cao, tiết kiệm công lao động.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Trong những năm qua, sản phẩm tỏi Lý Sơn chưa được quảng bá tốt. Đặc biệt, hoạt động quản lý sản xuất và bảo hộ thương mại bằng nhãn hiệu tập thể chưa được chú trọng, nên một số nơi mạo danh tỏi Lý Sơn đã gây thiệt hại trực tiếp đến người trồng tỏi, ảnh hưởng đến thương hiệu, danh tiếng tỏi Lý Sơn.
Để bảo vệ và nâng tầm thương hiệu tỏi Lý Sơn, chính quyền địa phương phối hợp Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cùng các đơn vị chức năng liên quan đang khẩn trương triển khai dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận vào cuối năm nay.