Sự kiện thu hút gần 100 thanh niên đến từ cộng đồng người Mông, Nùng, Dao, Mường, Vân Kiều... hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Lai Châu, Quảng Trị, Hà Nội cùng gặp gỡ tại Thủ đô Hà Nội để giao lưu, trao đổi về các vấn đề hiện đang diễn ra tại chính địa phương của họ, như: Thanh niên với việc làm; con gái không được đi học; kết hôn sớm; thanh niên với tệ nạn xã hội; thanh niên với việc sử dụng Internet.
Đến từ xã Phong Thén, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, bạn Tẩn Vần Quang mang đến câu chuyện về tệ nạn xã hội với nhiều trăn trở. Câu chuyện của Quang nói đến người em trai của mình. Em trai của Quang do thiếu nhận thức đã rơi vào con đường nghiện ma túy, từ một người hiền lành trở thành một kẻ ăn trộm.
Trong một lần lên cơn thèm ma túy, em trai của Quang đã phá tủ lấy trộm tiền của bố vợ. Tuy số tiền không nhiều, nhưng hành động đó cho thấy sự nguy hiểm, tác hại của tệ nạn ma túy, cờ bạc. Quang còn cho biết thêm, tại địa phương em, số thanh niên nghiện ma túy, cờ bạc rất nhiều. Hiện tại xã Phong Thén có 8 thanh niên đang nghiện ma túy. Bản thân là một người trẻ luôn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, theo Tẩn Vần Quang, để thanh niên tại địa phương tránh xa khỏi các tệ nạn xã hội, trước hết các bạn cần tìm được việc làm ổn định. Đồng thời thường xuyên được tham gia các buổi sinh hoạt, tuyên truyền về việc phòng chống tệ nạn xã hội để thanh niên hiểu và biết cách phòng tránh.
Với các bạn trẻ người DTTS, đặc biệt là nữ giới, giấc mơ được đến trường cũng là một trong những vấn đề được các bạn quan tâm. Em Vàng Thị Bông, ở xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang năm nay mới 17 tuổi nhưng đã nghỉ học nhiều năm nay. Bông xúc động kể về hoàn cảnh của mình: “Năm em học lớp 8 bố mẹ bắt em phải nghỉ học đi làm, vì cho rằng, con gái học nhiều sau này cũng đi lấy chồng chỉ tốn tiền bạc của bố mẹ”. Trước quyết định đó của bố mẹ, Vàng Thị Bông đã khóc lóc, xin được đi học, nhưng cuối cùng bố mẹ vẫn không đồng ý. Từ câu chuyện của Vàng Thị Bông, thấy rằng trẻ em gái ở khu vực miền núi còn gặp nhiều khó khăn bởi quan niệm lạc hậu. Thông qua câu chuyện của Vàng Thị Bông, các bạn trẻ mong muốn được bố mẹ đối xử với con gái công bằng như con trai trong nhà để các em được đến trường, được học cao và có cơ hội tìm việc làm ổn đình, cuộc sống chủ động, đủ đầy hơn...
Với thanh niên DTTS, việc làm cũng là vấn đề được các bạn trẻ quan tâm tại buổi thảo luận. Phần lớn các ý kiến đưa ra đều cho rằng, việc làm với thanh niên ở vùng sâu, vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống hiện nay đang thiếu nghiêm trọng. Vì thế có nhiều người phải đi làm xa, hoặc ra nước ngoài lao động. Thậm chí do không có trình độ, năng lực nhiều bạn trẻ bị lừa mất tiền bạc, công sức. Trước thực trạng đó, thanh niên các em mong muốn sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ được học nghề, xin được việc làm để kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình. Hoặc với trường hợp làm kinh tế tại địa phương, các bạn mong chính quyền có giải pháp liên kết với các nhà cung ứng, bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm của địa phương.
Thông qua các ý kiến của các bạn trẻ, buổi tọa đàm đã đưa ra thông điệp với thanh niên nói chung và thanh niên ở vùng sâu, vùng xa nói riêng rằng: Các bạn thanh niên hãy tự tin vào bản thân, khi có hoài bão, mơ ước các bạn sẽ tìm được cho mình những cơ hội tốt trong công việc, trong cuộc sống.
HỒNG MINH