Tháo gỡ khó khăn về vốn và KHKT
Ngày 18/5/2016, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg. Theo đó, vốn và khoa học - kỹ thuật (KHKT) là hai trong số những điều kiện then chốt để tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp thực chất, hiệu quả. Tuy nhiên, như đã đề cập, trong quá trình khởi nghiệp, thanh niên DTTS gặp khó khăn lớn nhất về vốn đầu tư ban đầu và cách tiếp cận, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, hệ sinh thái khởi nghiệp mới ở giai đoạn đầu, thiếu những hoạt động chuyên sâu, những chính sách hỗ trợ thiết thực; thủ tục tiếp cận các chính sách còn rườm rà, chưa có đội ngũ chuyên gia cố vấn khởi nghiệp tại các địa phương; các trung tâm, vườn ươm khởi nghiệp còn đang trong quá trình hoàn thiện; hệ sinh thái khởi nghiệp các tỉnh chưa có sự kết nối, hoàn thiện để phát huy hiệu quả trong hoạt động hỗ trợ…
Do đó, việc quan trọng là cần có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ những khó khăn trên. Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã chú trọng giải quyết những vấn đề này bằng nhiều giải pháp cụ thể.
Đơn cử, năm 2019, tỉnh Đắk Nông đã thành lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp với số vốn đầu tư ban đầu là 1 tỷ đồng dành cho đoàn viên thanh niên vay vốn ưu đãi, không phải thế chấp thông qua các dự án phát triển sản phẩm mới trên cơ sở áp dụng tiến bộ KTKT và công nghệ. Năm 2020, Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cũng đã hỗ trợ 16 dự án và hỗ trợ các dự án do thanh niên DTTS làm chủ vay vốn.
Tuy nhiên, theo anh Trương Văn Bình, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Nông, để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên phát triển và thành công luôn cần sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó là việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách như đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện về các nguồn vốn vay, hỗ trợ về mặt pháp lý, tổ chức các hoạt động xuc tiến đầu tư, tạo ra những sân chơi bổ ích dành cho thanh niên có mong muốn khởi nghiệp lập nghiệp...
"Đồng thời, phải đưa ra những giải pháp lâu dài mang tính bền vững để thúc đẩy thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế của địa phương", anh Trương Văn Bình chia sẻ thêm.
Còn tại Đăk Lăk, ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn là có thật, bởi hầu hết các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua được bố trí từ ngân sách địa phương. Tuy nhiên nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì sẽ rất bị động. Vì vậy, để giải quyết bài toán về vốn cũng như KHKT cần thiết phải tăng cường hoạt động hiệu quả của Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tỉnh, đồng thời thu hút nhiều doanh nhân thành đạt cống hiến vào sự nghiệp phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp...
Kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp
Thời gian qua, cùng với cả nước, phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có điều kiện phát triển.
Tại Đắk Lắk, UBND tỉnh đã giao cho các cấp các ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên nói chúng và thanh niên DTTS nói riêng thay đổi tư duy, lập nghiệp, làm giàu. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, ngày càng nhiều thanh niên DTTS đổi mới tư duy, mạnh dạn khởi nghiệp.
Theo đó, để có chính sách hỗ trợ khởi nghiệp trong thanh niên một cách xuyên suốt, phù hợp, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Đắk Lắk đã phát huy hiệu quả các nguồn vốn. Điển hình “Quỹ khởi nghiệp” do tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh vận động từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân thành lập với tổng kinh phí hiện nay là 1,4 tỷ đồng. Đến nay, đã trao 64 suất vốn trị giá 1,28 tỷ đồng hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế.
Tỉnh đoàn Đắk Lắk cũng đã xây dựng và phát triển được 112 mô hình phát triển kinh tế của thanh niên; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc nhận ủy thác vốn vay dành cho đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế với hơn 830 tỷ đồng cho 28.315 hộ vay. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đắk Lắk hỗ trợ vốn vay 41 lượt thanh niên, mỗi lượt vay 20 triệu đồng với tổng kinh phí là 820 triệu đồng. Trong đó có 12 thanh niên DTTS.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết: Hiện nay, các quy định, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng được hoàn thiện, nhưng còn thiếu nhiều nội dung cần được hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ còn chung chung, điều kiện cao, thủ tục phức tạp nên các startup rất khó tiếp cận.
Vì thế, trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh xác định cần có những giải pháp đột phá, lộ trình phù hợp hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, trước mắt, cần xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý chính sách thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh
Tương tự, tại Gia Lai, những năm qua Tỉnh Đoàn cũng tích cực triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia” với các hoạt động tập trung nhiều hơn trong việc khởi dậy cảm hứng, khát vọng và ý chí lập thân, lập nghiệp trong thanh niên, đặc biệt là thanh niên DTTS. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, lập nghiệp như hỗ trợ vốn vay cho thanh niên làm kinh tế thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền về KHKT, công nghệ trong sản xuất, trồng trọt cho thanh niên nông thôn.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã vận động hỗ trợ 5 mô hình thanh niên phát triển kinh tế. Tổ chức 57 buổi tư vấn, hướng dẫn hoàn thành hồ sơ, thủ tục vốn vay ngân hàng chính sách cho các hộ thanh niên; mở 44 lớp đào tạo nghề thu hút 1.654 đoàn viên, thanh niên tham gia, 13 lớp trang bị kiến thức khởi nghiệp cho 989 thanh niên. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nâng tổng dư nợ do Đoàn thanh niên quản lý là 804 tỷ đồng thông qua 17 chương trình cho 22.134 hộ vay, với 516 tổ tiết kiệm và vay vốn...
Tuy nhiên, theo chị Hà Thị Giang Thảo, Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai, việc kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền, đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp. Theo đó, cùng với việc các cán bộ Đoàn cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào khởi nghiệp, từ đó lan tỏa rộng rãi tinh thần khởi nghiệp trong thanh niên.
Để giúp thanh niên DTTS trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên khởi nghiệp, làm giàu, việc tháo gỡ những khó khăn và kiến tạo hệ sinh thái khởi nghiệp chính là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp.