Tự hào thương hiệu “Ê-đê Café”
Khởi nghiệp bằng chính nguyên liệu và cách pha chế độc đáo của dân tộc mình, anh Y Pốt Niê, dân tộc Ê Đê ở xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã mang “Ê-đê Café” giới thiệu ra thế giới và tìm được chỗ đứng trên trường quốc tế.
Y Pốt chia sẻ: từ nhỏ tôi đã quen hít hà hương cà phê mẹ rang trên bếp lửa và thưởng thức ly cà phê đậm vị truyền thống, nên đã sớm nuôi dưỡng đam mê chế biến cà phê mong muốn nâng cao giá trị cà phê cho bà con buôn làng.
Mong muốn nâng cao giá trị hạt cà phê, giúp người nông dân bán giá cao, tăng thêm thu nhập và quảng bá hương vị cà phê truyền thống, phong cách thưởng thức cà phê của đồng bào Ê Đê. Năm 2019, Y Pốt tìm hiểu, tự rang, xay cà phê theo cách dân dã mà đồng bào Ê Đê vẫn làm, rồi đăng bán trên mạng xã hội và nhận được quan tâm, động viên và khích lệ của nhiều người.
Y Pốt khởi nghiệp với cà phê, thành lập doanh nghiệp lấy tên gọi Công ty TNHH Ê-đê Café (Công ty Ê-đê Café) và được Cục Sỡ hữu trí tuệ ký nhãn hiệu độc quyền. Tìm đầu ra cho sản phẩm, Y Pốt tích cực tham gia các triển lãm, hội chợ và sự kiện về nông sản hữu cơ, giới thiệu sản phẩm trên các kênh trực tuyến, mạng xã hội… để tìm thị trường. Một số công ty ở Nhật Bản, các nước Trung Đông cũng đã cử đại diện đến tận nơi tìm hiểu, khảo sát và đặt vấn đề thu mua và hợp tác phát triển cà phê hữu cơ.
Để có vùng nguyên liệu đảm bảo, Công ty Ê-đê Café liên kết với bà con nông dân trong buôn, thu mua cà phê của người dân cao hơn giá thị trường. Đồng thời, vận động bà con trong buôn chuyển đổi hình thức canh tác hữu cơ đảm bảo chất lượng cà phê, đồng hành cùng bà con nông dân tái canh cà phê nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định sản lượng.
Đến nay, Y Pốt đã liên kết với 25 hộ dân trong buôn, mở rộng vùng nguyên liệu lên hơn 35 ha cà phê Robusta. Ngoài việc thu mua giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg, Y Pốt còn đầu tư vốn và hỗ trợ giống cây ăn quả như sầu riêng, bơ cho bà con xen canh trong vườn cà phê. Hiện, Ê-đê Café tạo việc làm cho hàng chục lao động phổ thông là người Ê Đê, với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Công ty Ê-đê Café được Viện Nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ cấp giấy chứng nhận “Đạt top 10 – thương hiệu nhãn hiệu uy tín ba miền, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao”; được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã trao giấy chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh” và UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận OCOP 4 sao. Hiện nay, sản phẩm Ê đê Café đã vươn xa đến nhiều nước như: Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hà Lan…
Phát triển du lịch bằng văn hóa bản địa
Khai thác tiềm năng sẵn có ở địa phương, Y Xim Ndu ở xã Đắk Liêng, huyện Lắk từng bước đưa văn hóa bản địa đến gần với du khách, bằng những tua du lịch độc đáo, giúp bà con buôn làng có thêm thu nhập.
Y Xim chia sẻ: đồng bào dân tộc tại chỗ sống gần gũi với rừng. nhưng không bảo giờ xâm phạm những cánh rừng trên đỉnh núi cao, bởi với họ đó là rừng thiêng của Yang. Nhờ vậy, nhiều khu rừng già được bảo tồn, cách mạch nước ngầm được bảo vệ. Những cánh rừng trên địa bàn huyện Lắk gắn với cuộc sống mưu sinh, lịch sử, tín ngưỡng văn hóa của đồng bào dân tộc tại chỗ như Mnông, Ê Đê.
"Tôi muốn giới thiệu ho du khách biết và trải nghiệm, hòa mình vào cuộc sống của người dân tộc thiểu số ở huyện Lắk. Đồng thời, giúp bà con buôn làng có thêm thu nhập, làm giàu chính đáng trên quê hương, thanh niên không phải rời buôn đi làm thuê xa", Y Xim bộc bạch.
Nuôi dưỡng ý tưởng, hoài bão với tất cả đam mê, quyết tâm của bàn thân, cuối năm 2018 Y Xim Ndu đã bỏ công việc nhà nước, đi Sa Pa, Đà Lạt học làm du lịch, sáng Campuchia học hỏi về lĩnh vực nông nghiệp. Trở về buôn làng, chàng trai Mnông làm du lịch theo cách riêng và được nhiều du khách lựa chọn.
Tour du lịch khám phá thiên nhiên, văn hóa và con người ở huyện Lắk của Y Xim thu hút nhiều tín đồ yêu thích du lịch trải nghiệm đăng ký. Đi tua này, du khách được xuyên qua những cánh rừng, cắm trại ngủ lại trên núi và săn mây trên đỉnh núi Chư Yang Lắk có độ cao 1.700m.
Suốt hành trình có cán bộ Ban Quản lý rừng tham gia hỗ trợ, giám sát và kết hợp tuần tra bảo vệ rừng. Đặc biệt, Y Xim kể những câu chuyện hấp dẫn về vùng đất, con người và văn hóa của dân tộc Mnông, sự tích, tín ngưỡng văn hóa gắn liền với tên núi và giới thiệu những nét riêng, nét độc đáo của Đắk Lắk cho du khách.
Kết thúc chuyến đi xuyên rừng, du khách tham quan buôn đồng bào dân tộc Mnông sống dưới chân núi, trải nghiệm làm gốm nung lộ thiên của người dân Yang Tao, làng gốm cổ duy nhất của người Mnông trên Tây Nguyên. Quy trình sản xuất gốm hoàn toàn thủ công. Sau đó, mọi người được đắm mình trong không gian nhà sàn, thưởng thức những món ăn truyền thống, quây quần bên bếp lửa nghe âm vang cồng chiêng. Qua các tour du lịch, Y Xim tạo thêm việc làm cho người dân sống gần rừng như khuân vác, hỗ trợ khách, bán đồ lưu niệm và hàng hóa nông sản.
Tham gia cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanhh của tỉnh Đắk Lắk năm 2022, Dự án Du lịch sinh thái rừng gắn kết hợp bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc địa phương của Y Xim đoạt giải Nhì. Sau cuộc thi khởi nghiệp Y Xim đã thành lập Công ty TNHH Du lịch Chư Yang Sin.
Du khách đăng ký tour chủ yếu đến từ các tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và bây giờ nhiều du khách ở Đắk Lắk cũng đã quan tâm loại hình du lịch này. Y Xim đặt mục tiêu mỗi năm thu hút khoảng 1.000 lượt khách tham gia tour, doanh thu ước đạt khoảng 2 tỷ/năm. Dự án đi vào hoạt động, dự kiến tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.
Anh Phạm Ngọc Thắng, Bí thư Huyện Đoàn Lắk cho biết: chính quyền địa phương, Ban Quản lý rừng luôn đồng hành, hỗ trợ Y Xim trên hành trình khởi nghiệp. Mô hình du lịch khám phá gắn với giới thiệu văn hóa dân tộc tại chỗ của Y Xim đã hấp dẫn du khách bằng những tour du lịch mới lạ. Du khách được về với thiên nhiên, cùng ăn, ở, trải nghiệm, và hòa mình văn hóa truyền thống của dân tộc Ê Đê, Mnông.