Trong Tết Thanh minh, từ sáng sớm, người thân trong gia đình đã sửa soạn một mâm lễ cúng tươm tất, đủ đầy với hoa, trái cây, bánh, nhang đèn, mang tới phần mộ của ông bà, tổ tiên. Trước khi cúng kiếng, người ta sẽ dọn dẹp lại sạch sẽ mộ phần, sửa sang lại ngôi mộ cho tươm tất, quét dọn đường đi, trồng thêm hoa tươi, cây cảnh xung quanh mộ phần để nơi này được khang trang. Tùy vào mỗi địa phương, tùy vào sản vật theo mùa, mâm cúng ở phần mộ người thân có thể với những món ăn, trái cây cúng khác nhau. Tuy nhiên lòng thành của người đi cúng là quan trọng nhất, tri ân người xưa, tưởng niệm người thân đã không còn ở bên mình, giáo dục cho con cháu, thế hệ sau về sự tri ân nguồn gốc, tổ tiên.
Tảo mộ trước Tết Nguyên đán và Thanh minh có phải là một hay khác nhau? Theo PGS-TS Triệu Thế Việt, nhiều người thường nhầm lẫn tảo mộ trước Tết và tảo mộ trong Thanh minh.
Tảo mộ trước Tết Nguyên đán là con cháu ra phần mộ của ông bà, tổ tiên để đốt nhang, "mời" ông bà tổ tiên về ăn tết, nhân tiện sẽ dọn lại phần mộ tổ tiên. Còn tảo mộ trong Thanh minh là người ta sẽ đến mộ phần của người thân trong tiết Thanh minh để trồng thêm cỏ, thêm hoa, sửa sang ngôi mộ, dọn dẹp lối đi cho ngay ngắn.
PGS-TS Triệu Thế Việt cho biết hiện nay tục lệ dịp Tết thanh minh nghiêng về phần lễ hơn là phần hội. Theo phong tục của người Việt Nam nói chung và của đồng bào DTTS vùng Tây, Đông Bắc nói chung, đặc biệt là người Tày, Nùng, Thái… nói riêng, Tết Thanh minh là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc họ quan niệm mỗi năm chỉ có một ngày, dù ai đi đâu, ở đâu, đến ngày tết Thanh minh cũng về với gia đình để được đi tảo mộ, báo hiếu với người đã khuất. Trong ngày này, người dân thường đến mộ từ sáng sớm, thắp hương xin phép thần thổ địa rồi phát cỏ, vệ sinh khu mộ, sau đó kính cẩn thắp hương lên phần mộ gia đình, thắp hương cho các ngôi mộ xung quanh rồi bày cỗ, rót rượu khấn mời người đã khuất về ăn cỗ.
Đáng chú ý, theo PGS-TS Triệu Thế Việt, hiện nay trong đời sống hiện đại, nhiều người khi qua đời sẽ được người thân hỏa táng, gửi tro cốt trong chùa, hoặc rải tro cốt xuống sông, do đó không có mộ phần. Tuy nhiên, tục lệ truyền thống thanh minh vẫn có thể thực hiện. "Tôi đã dự một buổi lễ mà một người thả một bè hoa xuống sông, thắp nén nhang để tưởng nhớ lại người bố của anh khi còn sống, điều này hoàn toàn ổn", ông Việt kể.
PGS-TS Triệu Thế Việt cho rằng: Dù thế nào, thì ý nghĩa của việc tri ân, tưởng nhớ nguồn cội, tổ tiên của mỗi người trong Tết Thanh minh vẫn còn nguyên vẹn. Ý nghĩa lớn nhất của Thanh minh là để con cháu tri ân tiền nhân. Mỗi dịp Thanh minh là dịp để con cháu không quên những người thân đã khuất. Họ có thể không tồn tại về thể xác nhưng tâm hồn của họ, những ký ức tươi đẹp nhất về họ vẫn sống trong tim những người ở lại. Một người mất (và kể cả những người đang sống) - chỉ thật sự mất khi họ không còn sống trong trái tim người thân nữa.