Theo Kế hoạch số 281 của UBND tỉnh Thanh Hóa, mục tiêu phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK). 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% thôn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp.
Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu 95% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã ĐBKK (khu vực III) và thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sẽ hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ DTTS đang cư trú tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
Mục tiêu của Kế hoạch 281 của UBND tỉnh sẽ đưa tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 100%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt 100%, học THCS đạt 100%, học THPT đạt 95% trở lên; người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 99% trở lên.
Tiếp tục tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; trên 95% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. Trên 99% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%.
Phấn đấu trên 60% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người DTTS và đặc thù vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; trên 55% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là các DTTS tại chỗ. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp với tỷ lệ dân số là người DTTS ở từng địa phương.
Để triển khai hiệu quả Quyết định số 1719, UBND tỉnh giao giám đốc sở, thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã vùng đồng bào DTTS và miền núi trong phạm vi quản lý của mình có trách nhiệm chủ động, tích cực triển khai thực hiện.
Giao Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã thuộc Chương trình tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chương trình theo quy định.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tổng hợp nhu cầu vốn thực hiện Chương trình vào kế hoạch 5 năm và kế hoạch hằng năm, báo cáo UBND tỉnh; chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu phân bổ chi tiết vốn đầu tư phát triển hằng năm và cả giai đoạn của Chương trình; tham mưu ban hành hướng dẫn thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Chương trình.
Giao UBND các huyện, thị xã vùng đồng bào DTTS và miền núi căn cứ phạm vị quản lý, chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền, tổ chức kiện toàn bộ máy Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình ở phạm vi địa phương theo quy định và các văn bản hướng dẫn liên quan; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn; ban hành các văn bản liên quan đến chỉ đạo điều hành, thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình ở địa phương; nghiên cứu xây dựng các giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.