Quá trình điều tra xác định, Lê Thị Hồng Vân đã thành lập và đứng tên Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục PPV và Công ty TNHH Giáo dục quốc tế Apple (địa chỉ phường Đông Thọ, Tp. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), đều hoạt động trên lĩnh vực giáo dục là giảng dạy tiếng Anh.
Từ năm 2021 đến đầu năm 2023, Lê Thị Hồng Vân đã lợi dụng tâm lý “sính ngoại” của phụ huynh học sinh, đồng thời, lợi dụng chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho phép các trung tâm ngoại ngữ liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục trên địa bàn được cấp phép để sử dụng danh nghĩa 2 công ty của mình để mời, bảo lãnh và chuyển đổi cho gần 200 người nước ngoài nhập cảnh, làm việc cho các công ty này.
Tuy nhiên, sau khi người nước ngoài nhập cảnh, Lê Thị Hồng Vân không sử dụng lao động tại 2 công ty nêu trên, mà sử dụng chiêu trò ký “Hợp đồng hợp tác” hoặc thỏa thuận miệng với nhiều cơ sở giáo dục, cá nhân trên địa bàn trong và ngoài tỉnh để cho thuê người nước ngoài nhằm hưởng lợi. Mặt khác, Lê Thị Hồng Vân còn sử dụng danh nghĩa của một số pháp nhân (công ty) khác để thực hiện hành vi tương tự.
Để có thể mời, bảo lãnh được người nước ngoài với số lượng lớn vượt quá nhiều lần nhu cầu sử dụng của các đơn vị bảo lãnh, Lê Thị Hồng Vân đã thông qua môi giới, ồ ạt chấp nhận tuyển người nước ngoài vào Việt Nam, thậm chí rất nhiều trường hợp Vân không cần phải phỏng vấn, đánh giá chất lượng, nhưng vẫn tuyển dụng cho các trường hợp này nhập cảnh.
Đáng chú ý, có tới 1/3 số người nước ngoài do Vân mời, bảo lãnh không đủ điều kiện để nhập cảnh, như không có chứng chỉ tiếng Anh, không có bằng đại học, giấy tờ không được hợp pháp hóa… nhưng Vân vẫn bất chấp quy định của pháp luật, chỉ đạo 2 nhân viên cấp dưới gồm Phạm Thị Hiền (sinh năm 1989) và Đỗ Thị Vân (sinh năm 1992) cùng trú tại phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa làm giả các tài liệu, giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp phép lao động cho người nước ngoài; qua đó, bảo lãnh không giới hạn người nước ngoài nhập cảnh nhằm phục vụ mục đích cho thuê hưởng lợi của Vân.
Việc Lê Thị Hồng Vân cùng các đồng phạm, bất chấp các quy định của pháp luật, xem nhẹ trình độ, chất lượng để tuyển ồ ạt số lượng lớn giáo viên người nước ngoài đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường giáo dục, nhất là chất lượng tại các trung tâm ngoại ngữ, cơ sở giáo dục trên địa bàn đã thuê lại giáo viên của Vân.
Thông qua hoạt động bảo lãnh người nước ngoài của Lê Thị Hồng Vân, đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội - tiềm ẩn, cần sự vào cuộc, làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất nhập cảnh, lao động, giáo dục của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn.
Được biết, đây là thủ đoạn hoạt động phạm tội mới của loại tội phạm này, rất khó phát hiện và gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xác minh. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Công an tỉnh, thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra trong công tác đấu tranh chống tội phạm có yếu tố nước ngoài liên quan đến lĩnh vực xuất nhập cảnh và giáo dục, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã xác minh, khởi tố, điều tra vụ việc một cách nhanh chóng để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Vụ án đang được điều tra mở rộng.