Trong một chuyến công tác đến Lục Ngạn, chúng tôi có dịp ghé thăm vườn cam của chị Lâm Thị Phương, con đường dẫn vào nhà chị, ngả một màu đỏ bắt mắt từ những chùm cam chín mọng.
Đón chúng tôi khi đang bận rộn tỉa lá cho những cành cam đã cắt xuống để chuẩn bị ghép sau khi thu hoạch vụ cam, chị Phương chia sẻ: “Ở xứ này nức tiếng nhất vẫn là quả vải thiều. Còn cam, bưởi thì cũng chỉ mới phát triển vài năm trở lại đây. Nhận thấy hiệu quả từ trồng cam cũng không kém cây vải là mấy, nên gia đình tôi quyết định chuyển hướng sang trồng thử nghiệm”.
Ban đầu, chị Phương chỉ trồng vài chục gốc cam canh đường thử nghiệm, sau vài vụ, thấy hiệu quả kinh tế cao, nên chị quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng vải sang trồng cam. Hiện nay, vườn cam của gia đình chị có hơn 1.000 gốc, trong đó có 700 cây đang cho quả. Vụ bán cam Tết vừa qua, chị thu hoạch được gần 120 tấn quả. Với giá thị trường từ 48 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng/kg, trong năm 2020 doanh thu của gia đình chị đạt khoảng 5 đến 6 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 4 tỷ đồng.
Theo chị Phương, để có vườn cam ra nhiều trái, đều quả và đẹp mắt, gia đình chị Phương đã áp dụng phương pháp hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học mà 100% cây cam trong vườn được bón phân chuồng đã ủ hoai mục. Để bón phân chuồng hiệu quả, chị Phương cho thiết kế 3 bể chứa các phế phụ phẩm từ nông nghiệp để ủ với men vi sinh sau đó sẽ bón cho cây cam.
Nhờ đầu tư, chăm sóc tốt nên chị Phương đã có được vườn cam canh mang về tiền tỷ. Đầu tháng 1/2021, vườn cam của gia đình chị Phương đã từng đón Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đến tham quan. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao cách làm của Bắc Giang và bà con nông dân địa phương khi đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế phát triển cây ăn quả của tỉnh.
Không chỉ là hộ nông dân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi, gia đình chị Phương còn là thành viên của Chi hội nghề nghiệp trồng cam sạch xã Quý Sơn. Theo đó, Chi hội nghề nghiệp gồm 10 hộ thành viên tham gia, các hộ gia đình này đều vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để trồng vải, cam hữu cơ.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn đánh giá, nhờ mạnh dạn chuyển đổi canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình chị Phương có thu nhập hàng tỷ đồng/năm từ trồng cam. Ngoài sản xuất giỏi, gia đình chị Phương còn là thành viên tiêu biểu của Tổ hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc cây cam ngọt Lục Ngạn.