Ngày vợ chồng anh phá bỏ vườn tiêu, hàng trăm hộ dân quanh đó đã không khỏi bất ngờ và cho rằng vợ chồng anh sai lầm.
Bởi đất đai vùng này phù hợp với cây tiêu hơn là với các loại cây ăn trái và cây có múi, nhiều người không tin tưởng vợ chồng anh sẽ thành công.
Sau khi phá bỏ vườn tiêu, anh Tân và vợ đi khắp nơi tìm hiểu về giống cam sành. Anh nhận thấy có rất nhiều loại cam sành ở các vùng khác nhau, nhưng giống cam sành miền Tây có vẻ phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng cao nguyên này nên anh quyết định mang giống về trồng. Gần 3000 gốc cây giống cam sành đã được anh đưa về và là người đầu tiên mang cam sành miền Tây trồng ở đất này. Tuy nhiên, dù đã được người quen hướng dẫn về kỹ thuật trồng cây cam sành, nhưng thời gian đầu anh Tân cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu chăm sóc.
Để cây cam phát triển tốt, anh thường xuyên lặn lội xuống các nhà vườn ở miền Tây để học hỏi kinh nghiệm, đồng thời lên mạng internet học hỏi thêm kỹ thuật. Theo anh Tân, trồng cam ít tốn công và số vốn bỏ ra cũng ít hơn so với trồng hồ tiêu, cây cam sành lại có thể trồng được trên rất nhiều loại đất. Điều quan trọng là phải chủ động được nguồn nước tưới. Lúc cây cam còn nhỏ, gia đình anh đã sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm nhằm giữ độ ẩm cho cây.
Sau những vất vả, khó khăn ban đầu, vườn cam sành đầu tiên của anh đã cho thu bói trên 12 tấn cam, thu lời trên 200 triệu đồng. Chia sẻ về kỹ thuật trồng cam sành, anh Tân cho biết: “Trồng cam sành không khó nhưng phải nắm vững kỹ thuật, từ cách chọn giống đến các khâu chăm sóc, bón phân, xịt thuốc… làm sao để cam cho trái đều, quả không bị sâu bệnh. Để phòng sâu bệnh cho cây cam, ngoài việc xịt thuốc bảo vệ thực vật chuyên dụng theo định kỳ, nhà vườn cần tưới nước thường xuyên để rửa các loại nấm bệnh, côn trùng bám đậu trên lá. Đặc biệt, từ khi cây ra hoa kết trái đến khi thu hoạch, nhà vườn cần bón đủ phân và đảm bảo nguồn nước tưới”. Để hạn chế sâu bệnh, anh Tân còn tỉ mỉ bọc lưới xốp cho từng quả. Anh cho biết: “Bọc lưới xốp cho từng quả cam tốn công hơn nhưng vừa hạn chế được sâu bệnh, quả cam lại không bị rám nắng, giữ màu xanh đẹp, cho nhiều nước”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Đặng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le, cho biết: Mô hình trồng cam sành của gia đình anh Tân đang phát huy hiệu quả. Chúng tôi đang khuyến khích hội viên nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những vùng đất hồ tiêu bị chết. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã sẽ phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh cho cây cam cũng như các loại cây ăn quả để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
MINH NGỌC - TUẤN KIỆT