Nghệ nhân dân gian Vừ Lầu Phổng ở bản Huồi Giảng 1, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cho biết, người Mông ở biên giới xứ Nghệ coi cây khèn như đứa con tinh thần quý giá nhất của dân tộc mình. Ông Phổng được ông nội và bố Vừ Pà Lỉa truyền dạy cho cách thổi khèn từ khi còn là cậu bé hơn 10 tuổi. Nhà ông Phổng đã có ba đời thổi khèn Mông nổi tiếng khắp vùng Kỳ Sơn.
Với ông Vừ Lầu Phổng, tiếng khèn đã thẩm thấu vào tâm hồn từ thuở còn nằm nôi, nằm địu trên lưng mẹ, cùng cha lên nương rẫy. Nhưng mãi đến năm lên 10 tuổi, ông mới chính thức trở thành “bạn tâm giao” với chiếc khèn. Niềm đam mê nhạc cụ truyền thống cùng tài năng thiên bẩm đặt nền móng vững chắc để ông Phổng gắn bó với cây khèn đã hơn 40 mùa lúa rẫy.
Trong số các nhạc cụ truyền thống của người Mông như kèn lá, đàn môi (dà), trà liến dồ (sáo dọc), trà blải (sáo ngang), plùa tô (nhị), trà sua dì (sáo gọi chim)…, ông Phổng có thể chơi được 10 nhạc cụ, nhưng giỏi nhất là thổi khèn, sáo. Ông trải lòng: “Khèn, sáo là những nhạc cụ khó chơi được hay, bởi khi thổi phải điều hòa được hơi thở để có sự réo rắt, trầm bổng… theo ý muốn”.
Rời Huồi Giảng 1, chúng tôi tới Phà Nọi, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn - một bản nằm chênh vênh bên dòng suối nhỏ với những nếp nhà bằng gỗ sa mu thâm nâu. Chợt vọng về đâu đó tiếng khèn trầm bổng, lúc tỷ tê tâm tình, lúc lại ngân vang réo rắt. Men theo tiếng khèn, chúng tôi lạc vào nhà một ông bố trẻ tay cầm khèn ngồi thổi, kế bên là 2 đứa con nhỏ.
Có khách, ông bố trẻ ngừng thổi, cất lời chào. Ông bố trẻ ấy là Và Bá Dì, mới hơn 30 tuổi nhưng thổi khèn giỏi nhất, nhì bản Phà Nọi.
“Dì biết thổi khèn từ lúc nào?” Chúng tôi mở đầu câu chuyện. “Ta mê khèn từ khi còn bé đấy, cao cỡ này này”, anh chỉ ngang thắt lưng mình. “Cũng gần 10 tuổi thôi!”
Và Bá Dì cho biết, người Mông có khá nhiều điệu múa khèn. Một người được cho là giỏi múa khèn phải biết thổi và múa ít nhất là 6 điệu khèn. Điệu khèn đơn giản nhất gọi là “tờn đí”. Để học được điệu khèn này cũng không hề đơn giản, bởi đó là bài tập đầu tiên. Việc làm chủ được cái khèn và những nốt nhạc đã là một hành trình gian nan, đối với người mới tập thì việc để thổi ra bản nhạc lại càng khó khăn hơn.
Một người thổi khèn giỏi chưa chắc đã múa đẹp. Những điệu múa nhìn qua tưởng đơn giản, nhưng để tập được thành thạo cũng phải tốn công và kiên trì lắm. Dì kể: “Ngày mới tập múa khèn, chỉ với điệu múa vừa thổi khèn vừa đá chân ra sau hay về phía trước, ta phải luyện mất một mùa trăng rồi”.
Đến giờ, điệu múa khèn khó nhất là động tác vừa thổi khèn vừa lộn vòng về phía trước rồi lại lộn ra phía sau cũng không còn làm khó được Và Bá Dì. Còn các bài múa chỉ tung tẩy chân tay theo tiết tấu của bản nhạc, hay vừa tung chân vừa đi vòng tròn... đều rất đơn giản. “Những điệu múa khèn đòi hỏi người tập phải vừa khéo léo, lại phải có sức khỏe, bởi trong khi nhảy múa thì giai điệu khèn vẫn phải ngân lên không được đứt quãng. Mà nếu tiếng nhạc ngừng thì điệu múa này cũng trở nên vô nghĩa”, Dì giải thích.
Trên những bản làng người Mông ở khắp các huyện vùng cao miền Tây xứ Nghệ như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong... tiếng khèn, điệu múa khèn từ lâu đã trở thành một phần hồn cốt của dân tộc. Tiếng khèn rộn ràng, náo nức trong những ngày vui, lễ hội, đám cưới… và trầm buồn khi có đám tang, đám hiếu…
Theo dòng chảy của nhịp sống hiện đại, tiếng khèn và điệu múa khèn cũng không nằm ngoài quy luật của sự pha trộn, phai nhạt… Đó cũng là nỗi niềm trăn trở của các nghệ nhân yêu văn hóa dân tộc trong hành trình tìm người trẻ để trao truyền di sản hôm nay.