Số phương tiện đã vào bờ là 508 phương tiện, xa bờ là 60 phương tiện, gần bờ là 425 phương tiện. Số phương tiện ngoài tỉnh vào địa bàn trú tránh: 62 phương tiện 346 thuyền viên.
Qua các kênh thông tin, hiện đơn vị liên lạc được với 100% chủ phương tiện, phương tiện đang hoạt động trên biển.
Đơn vị đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Gành Hào, Hải đội 2 bắn pháo hiệu báo bão theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo các Đồn Biên phòng mở tín hiệu đèn báo bão 24/24 giờ; mở đài canh thông báo, kêu gọi các chủ phương tiện đưa phương tiện về nơi trú, tránh bão an toàn.
Về các phương tiện thi công điện gió trên biển: Có 15 phương tiện nước ngoài, 17 phương tiện trong nước, với 140 người (có 28 người nước ngoài). Đơn vị đã thông báo, yêu cầu di dời vào vị trí an toàn.
Số chòi canh nuôi trồng thủy sản ven biển có 5 chòi canh/10 người của Hợp tác xã Đồng Tiến thuộc xã Vĩnh Thịnh. Đơn vị đã thông báo đến cơ quan chủ quản, người dân biết, có biện pháp di dời khi bão đến.
Tại Cà Mau, theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, đến chiều 17/12 đã có trên 3.400 tàu với hơn 16.300 thuyền viên đang neo đậu an toàn tại 4 khu neo đậu tránh trú bão.
Hiện còn 1.115 tàu với hơn 5.800 thuyền viên đang hoạt động trên biển, và số tàu thuyền này đã được thông báo về hướng đi của bão để tìm nơi tránh trú.
Bên cạnh đó, qua rà soát, tổng số nhà cần chằng chống trên địa bàn các huyện ven biển là hơn 47.000 căn. Lãnh đạo các địa phương đã triển khai nhanh công tác hướng dẫn, vận động người dân chủ động hoàn thành việc chằng chống trước 36 giờ khi có tình huống bão ảnh hưởng.
Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 5 vị trí đê xung yếu với chiều dài 1.500 m. Tại các vị trí này, ngành chức năng đã bố trí sẵn sàng 500 rọ đá, 1.000 m3 đá hộc và nhiều phương tiện vật tư khác. Bên cạnh đó đã bố trí lực lượng ứng trực 24/24, sẵn sàng phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ và các đơn vị chức năng hộ đê khi có tình huống xảy ra.
Song song đó, qua rà soát hiện có trên 1.270 lồng bè trên biển và khoảng 480 người canh giữ đáy hàng khơi. Do đó, ngành chức năng các địa phương đã thông tin hướng dẫn đến các chủ lồng bè có biện pháp gia cố, di chuyển đảm bảo an toàn chống bão.
Căn cứ vào diễn biến của bão, Cà Mau đã đưa ra kịch bản bão có khả năng ảnh hưởng đến 3 huyện ven biển gồm: Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Phú Tân. Theo đó, số dân cần di dời là hơn 146.000 người.
Để ứng phó với kịch bản trên, tỉnh đã chuẩn bị 600 điểm sơ tán, với sức chứa gần 260.000 người, đồng thời chuẩn bị 1.500 phương tiện (thuỷ và bộ) và 29.000 lực lượng để thực hiện di dời dân khi cần thiết.
Trước đó, để chủ động ứng phó với cơn bão Rai, Chủ tịch UBND hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của bão.
Kịp thời thông tin rộng rãi đến tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân biết để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng đang hoạt động trên biển.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thông báo đến các phương tiện đang hoạt trên biển biết thông tin, diễn biến của bão.
Thường xuyên duy trì thông tin liên lạc với thuyền trưởng các phương tiện; hướng dẫn các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi neo đậu, tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu…